Động lực để Kon Tum bước vào kỷ nguyên mới
Sự đồng lòng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các đề án, chương trình đã mang đến một “sức bật” lớn cho kinh tế Kon Tum trong năm 2025, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026 – 2030 đầy kỳ vọng.
Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã gây dựng được vườn cà phê 0,5 ha, thoát nghèo năm 2024.
Ảnh: Dư Toán - TTXVN 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, năm 2024, tỉnh đã giảm được 3.650 hộ nghèo, tương ứng 2,51%, nâng tổng số hộ thoát nghèo giai đoạn 2021 – 2024 lên hơn 15.000 hộ. Đây kết quả từ sự đồng lòng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các đề án, chương trình, mang đến một “sức bật” lớn cho kinh tế Kon Tum trong năm 2025, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026 – 2030 đầy kỳ vọng.

Tận dụng chính sách phù hợp

Đầu năm 2021, Kon Tum có 21.989 hộ nghèo, chiếm 15,32% hộ dân toàn tỉnh (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 21.000 hộ). Đến cuối năm 2024, Kon Tum chỉ còn 6.557 hộ nghèo.

Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) là một ví dụ điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Là người dân tộc thiểu số Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), Thao Si Phôn lập gia đình rồi về ở cùng nhà vợ theo phong tục địa phương. Tách khẩu, anh Phôn cùng vợ không có tài sản gì đáng giá ngoài căn nhà tạm dựng trên mảnh đất nhỏ của bố mẹ chia cho. Chính vì thế, gia đình Phôn thuộc diện hộ nghèo của xã từ năm 2019.

Vượt qua khó khăn, Thao Si Phôn đã nỗ lực học nghề thợ hồ; đồng thời cùng vợ cải tạo 0,5ha đất của bố mẹ cho để trồng cà phê. Đến năm 2023, UBND huyện Đăk Hà tiếp tục hỗ trợ gia đình anh một con bò sinh sản. Đầu năm 2024, gia đình anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng theo nội dung thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhờ đó, đến cuối năm 2024, gia đình anh đã thoát nghèo.

“Sau khi được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã góp hơn 40 triệu đồng xây dựng được căn nhà khang trang. Cùng với việc chăm sóc vườn cà phê và chăm sóc bò sinh sản, đến nay, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 50 triệu/năm. Đến cuối năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo, hai vợ chồng sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình ngày càng đi lên”, anh Thao Si Phôn vui vẻ nói.

Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã xây dựng được căn nhà hơn 90 triệu đồng khang trang, thoát nghèo năm 2024.
Ảnh: Dư Toán - TTXVN 

Theo ông Trần Công Lý, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà, năm 2024, huyện đã giảm được 463 hộ nghèo. Đến nay, huyện chỉ còn 342 hộ nghèo với gần 1.200 nhân khẩu, chiếm 1,83% dân số. Để có được kết quả này, chính quyền các cấp của huyện đã vận dụng, lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

“Huyện Đăk Hà phấn đấu đến cuối năm 2025, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,33%. Huyện sẽ triển khai một số chính sách đặc biệt thuộc các chương trình giảm nghèo, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao đời sống, tăng cường sản xuất, giúp các hộ nghèo có sinh kế, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, ông Trần Công Lý cho biết.

 Không trông chờ, ỷ lại

Một tín hiệu tích cực đối với công tác giảm nghèo tại Kon Tum là phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, Đăk Tô là huyện điển hình, khi từ năm 2021 đến cuối năm 2024, đã có hơn 260 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2024, toàn huyện có 76 đơn xin thoát nghèo, chủ yếu tại các xã Diên Bình và Đăk Trăm.

Điển hình là trường hợp của A Hổ (sinh năm 1997, trú thôn Đăk Rô Ja, xã Đăk Trăm). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, A Hổ đã chủ động học nghề cơ khí rồi đi làm thuê. Năm 2022, khi mới lập gia đình, A Hổ cũng chỉ xây dựng được căn nhà tạm, cùng với canh tác 1,5 sào lúa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2024, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Kon Tum đã hỗ trợ anh 50 triệu đồng. Cùng với gia đình đóng góp, A Hổ đã xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng, cải tạo, trồng mới 0,6ha cao su.

Nhờ sự hỗ trợ 50 triệu đồng của Công ty Điện lực Kon Tum, A Hổ (sinh năm 1997, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã xây dựng được căn nhà khang trang, thoát nghèo năm 2024.
Ảnh: Dư Toán - TTXVN 

“Tháng 6/2024 thì nhà tôi xây dựng xong. Có nhà mới rồi, tôi chuyển về làm cơ khí tại nhà. Mọi người trong thôn, trong xã cũng tin tưởng tay nghề nên tôi nhận được nhiều đơn hàng, thu nhập dần tăng lên, hiện được khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Thấy đời sống, kinh tế ổn định, cuối năm 2024, tôi đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo để dành sự hỗ trợ lại cho các hộ nghèo khác”, A Hổ tâm sự.

Bà Phạm Thị Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết, những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn đã thực sự hết khó khăn trong cuộc sống mà là họ đã nhận thức được trách nhiệm phải nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại, thể hiện được tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” với những trường hợp còn khó khăn hơn mình. Đây là những tấm gương tốt, để các hộ nghèo khác noi theo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.

A Hổ (sinh năm 1997, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) thu nhập mỗi năm gần 100 triệu từ nghề cơ khí và vươn lên thoát nghèo năm 2024.
Ảnh: Dư Toán - TTXVN 

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực từ ba Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu giảm tối thiểu 2,5% hộ nghèo mỗi năm.

“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và địa phương huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực thuộc Chương trình giảm nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả năng thụ hưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, Sở tham mưu tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động để nâng mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của hộ trung bình”, ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống.

Giữ mùa xuân biên giới bình yên

Những người lính "quân hàm xanh” Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tiếp tục giữ gìn sự bình yên, tươi đẹp cho mùa Xuân biên giới Tây Nam Tổ quốc, để mọi người, mọi nhà đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ấm áp, nghĩa tình, an lành, hạnh phúc.

Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7%

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% trước đó. Quyết định đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức 6,5%.  

8 nhiệm vụ, giải pháp giúp đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Hà Nội, ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị và nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá: thống nhất nhận thức và hành động; phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá; nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số; tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải và đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.  

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số

Để được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ.

Thưởng Tết Âm lịch năm 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng

Tết Dương lịch năm nay gần Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung thưởng cho Tết Nguyên đán. Do đó, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân chỉ là 1,46 triệu đồng/người, trong khi mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2024. Mức thưởng cao nhất cho Tết Dương và Tết Âm lần lượt là 1,8 tỷ đồng và 1,908 tỷ đồng, đều thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.  

Du lịch Tết Nguyên đán 2025: Lượng tìm kiếm chỗ ở của khách quốc tế tăng 139%

Mùa du lịch Tết Nguyên đán 2025 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch trong nước, du lịch nước ngoài và du khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng tìm kiếm chỗ ở từ khách quốc tế đến Việt Nam từ một số thị trường tăng mạnh mẽ tới gần 300%. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025.  

Độc đáo du lịch làng nghề

Nhìn từ góc độ văn hóa, làng nghề, nghề thủ công là những di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế du lịch. Từ nguyên liệu cho đến các công đoạn sáng tạo, làm nên sản phẩm hoặc quan niệm về tín ngưỡng, nhân sinh thể hiện qua sản phẩm cùng các nghi thức tôn vinh tổ nghề đều thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân làng nghề, có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ

Chiều 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".