Đột phá theo Nghị quyết 57: Giải pháp tận dụng nguồn chất xám
Với nhiều điểm mới tích cực, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện đường lối đúng đắn và quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước. Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huấn, chuyên ngành kỹ thuật truyền thông số tại Đại học Middlesex (Anh) và Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS), trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và không truy cứu trách nhiệm đối với thiệt hại kinh tế trong thử nghiệm khoa học là điểm mới tích cực của Nghị quyết 57, giúp giải tỏa áp lực tâm lý cho các nhà khoa học, tạo điều kiện để họ thực sự yên tâm nghiên cứu, cống hiến sức sáng tạo. Ông cũng đánh giá cao quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, cải cách cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giao quyền tự chủ sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Theo ông, bước đột phá giải quyết bất cập về thủ tục hành chính và cơ chế giải ngân dự án nghiên cứu khoa học đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Đánh giá các mục tiêu và tầm nhìn đề ra trong Nghị quyết 57, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn thừa nhận mục tiêu đưa Việt Nam vươn lên nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong vòng 5 năm tới là khá tham vọng. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc đặt mục tiêu cao như chính tinh thần của Nghị quyết, chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng lòng, thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Bàn về những lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho rằng Việt Nam có thế mạnh ở nguồn nhân lực khoa học cơ bản và tin học, vì vậy bên cạnh các ngành như bán dẫn, AI, Việt Nam có thể vươn lên bứt phá bằng cách đầu tư phát triển các ngành tiềm năng và vẫn còn mới mẻ như máy tính lượng tử - một lĩnh vực phù hợp với thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Ngoài ra, y học và năng lượng tái tạo cũng là các lĩnh vực tiềm năng có thể tạo đột phá nếu được đầu tư bài bản.

Về kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ ở Anh, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho biết chính phủ chú trọng nghiên cứu khoa học và hằng năm dành ngân sách đáng kể cho hoạt động này. Chính phủ cũng đặc biệt coi trọng việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, vì vậy, luôn ưu tiên liên kết các trường đại học và doanh nghiệp thông qua việc cấp ngân sách cho các dự án nghiên cứu, có sự tham gia của các doanh nghiệp, nơi có thể đồng tài trợ nghiên cứu và ứng dụng kết quả.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho rằng Việt Nam cần ban hành chính sách, cơ chế cụ thể và xây dựng chương trình quốc gia nhằm khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có năng lực tham gia các dự án nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng đây là nguồn lực tiềm năng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn chia sẻ tại Anh, các doanh nghiệp đủ năng lực, điều kiện, bất kể nhà nước hay tư nhân, đều có thể tiếp cận nguồn tài trợ dành cho nghiên cứu khoa học.

Về phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho hay ở các nước phát triển, số sinh viên theo học các ngành kỹ thuật không cao như ở Việt Nam. Theo ông, đây là lợi thế Việt Nam cần tận dụng và tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực này để có lực lượng lao động công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong vòng 10-20 năm tới.

Bàn về các giải pháp tận dụng nguồn chất xám từ cộng đồng khoa học Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho hay cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, cần có những chính sách, cơ chế đãi ngộ cụ thể và thủ tục thông thoáng để các nhà khoa học Việt kiều có thể đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn đề xuất áp dụng hình thức giáo sư thỉnh giảng, mời chuyên gia Việt kiều tham gia tư vấn các dự án cụ thể, cũng như tận dụng mạng lưới chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau của cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài để phát triển các dự án hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật điện và viễn thông và lấy bằng Tiến sĩ Kỹ thuật điện tại Đại học New South Wales, Australia. Ông giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Middlesex từ năm 2016, hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ 5G/6G và IoT (Internet of Things) của trường và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bản sao số London (London Digital Twin Research Centre) - một trong những trung tâm đầu tiên của Anh về lĩnh vực chuyển đổi số mới này./.

Minh Hợp - Phong Hà

Tin cùng chuyên mục

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam phục hồi mạnh trong tháng 3

Ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong tháng 3/2025, khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Đây là thông tin đáng chú ý trong kỳ công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2025 của S&P Global - Tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính.

Kinh tế tư nhân: Vững mạnh cùng kinh tế đất nước

“Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế".

Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Cơ hội bứt phá

Việt Nam đang trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á. Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua.

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu thăm chính thức Armenia

Tối 1/4 giờ địa phương (rạng sáng 2/4 giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.