![]() |
Quang cảnh hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm 2023 |
Ảnh: Nguyễn Cúc - TTXVN |
Giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh là nhu cầu cấp thiết, giúp nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong tương lai. Các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho rằng, cần đưa nội dung đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp thành môn học, đưa vào giảng dạy tại các trường cho học sinh để thế hệ trẻ được tiếp cận với các nội dung này từ sớm, hình thành thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo tương lai, giúp họ biết cách khai thác ý tưởng của mình và khởi nghiệp để biến những ý tưởng đó thành hiện thực.
*Đẩy mạnh giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Kiến thức về sở hữu trí tuệ giúp mọi người trong đó có thế hệ trẻ có thể kiếm sống từ sự sáng tạo, đó là lý do cần phải đưa nội dung đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp vào các môn học khác nhau từ ngay các cấp độ học. "Bằng cách này, chúng ta trao quyền cho thế hệ các nhà đổi mới sáng tạo tương lai để dần phát triển một tư duy sáng tạo và học cách khai thác ý tưởng của họ vì những lợi ích kinh tế". Ông Lưu Hoàng Long cho biết thêm, tại Việt Nam, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, hằng năm, Cục đã yêu cầu các các địa phương tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về sở hữu trí tuệ nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4). Tuy nhiên, việc giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông còn là một vấn đề mới, chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết: Một cuộc khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) với 800 học sinh đến từ các trường học khác nhau cho thấy, hơn 80% học sinh tiểu học, trung học cơ sở được khảo sát chưa bao giờ được tiếp cận với kiến thức về sở hữu trí tuệ và các em đều mong muốn sẵn sàng đón nhận các kiến thức mới này. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục xem xét áp dụng hình thức phù hợp về sở hữu trí tuệ ở các cấp học để đưa vào nội dung giảng dạy.
Theo bà Altaye Tedla Desta, Trưởng bộ phận phụ trách đào tạo trực tuyến của Học viện WIPO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam cần xác định các yếu tố cần thiết để đưa nội dung sở hữu trí tuệ vào giảng dạy tại các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, bởi độ tuổi từ 12 - 20 là "giai đoạn vàng" của sự sáng tạo nhưng hệ thống giáo dục truyền thống lại thường phân chia các môn học cứng nhắc, gây hạn chế khả năng liên kết và tổng hợp kiến thức để thúc đẩy sáng tạo. Việc giáo dục sở hữu trí tuệ sớm sẽ giúp các em nhận biết giá trị của sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và định hướng nghiên cứu trong tương lai. Sở hữu trí tuệ không chỉ là một quyền hay cơ chế bảo hộ mà còn là một khía cạnh của sự sáng tạo, do đó cần trao quyền cho thế hệ trẻ để hình thành thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong tương lai. Vấn đề giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là từ cấp độ học sinh là một trong những việc làm cần thiết, hiện đã được và nhiều quốc gia triển khai hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Lâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Thực tế hiện nay, không có sở hữu trí tuệ thì có tới 95% dự án khởi nghiệp đã thất bại, do đó việc giáo dục sở hữu trí tuệ sớm sẽ giúp thế hệ trẻ nhận biết giá trị của sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và định hướng nghiên cứu trong tương lai để từng bước hình thành thế hệ trẻ khởi nghiệp "không thất bại". Thực tế, việc đưa kiến thức sở hữu trí tuệ vào trường phổ thông tại các nước là điều không mới, nhưng ở Việt Nam thì đây là "con đường mới" cần được mạnh dạn đặt chân vào để phát triển các mô hình đào tạo mới, đặc biệt là sự đồng hành của các cấp, ngành và các trường.
* Xây dựng chương trình đào tạo sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện Việt Nam
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao sáng kiến xây dựng chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho các cấp học sinh. Hiện Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành và Công ty cổ phần trường học thông minh (Smartschool) đang phối hợp nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế xây dựng các chương trình đào tạo, giáo dục sở hữu trí tuệ dành cho học sinh các cấp cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước phù hợp với điều kiện thực tế triển khai tại Việt Nam, từng bước hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ.
![]() |
Quang cảnh Hộ thảo chia sẻ kinh nghiệm giáo dục sở hữu trí tuệ |
Ảnh: TTXVN phát |
Bộ học liệu số liên quan đến chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ sớm hoàn thiện nội dung, góp phần cùng các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục triển khai chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ dành cho học sinh các cấp học một cách hiệu quả. Cùng với đó, Cục Sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc xây dựng chương trình đào tạo sở hữu trí tuệ, từng bước tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng đã đặt ra trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy các hoạt động phổ cập sở hữu trí tuệ trong các cấp học. Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định luôn đồng hành cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà trường, đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ hữu hiệu cho kinh doanh, lao động và phát triển kinh tế. Chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ khi triển khai sẽ có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của đất nước trong kỷ nguyên mới./.