HỌC BÁC MỖI NGÀY: Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số” |
Bình dân học vụ - kỳ tích của nền giáo dục Việt Nam non trẻ
Phong trào "Bình dân học vụ" ra đời và nhanh chóng lan rộng, với mục tiêu xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho toàn dân. Người học bao gồm đầy đủ các thành phần trong xã hội, từ trẻ em đến thanh niên, phụ nữ và cả các cụ già. Giáo viên là thầy giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân và cả những người vừa thoát nạn mù chữ. Lớp học là trụ sở của các trường phổ thông, các cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội, nhà của người dân, đình, chùa… vân vân
Chỉ một năm sau ngày phát động phong trào, "Bình dân học vụ" đã tổ chức được 75.000 lớp học, với trên 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Từ 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ năm 1946, tới năm 1948 là 6 triệu người và đến năm 1952 là 10 triệu người, chiến dịch “diệt giặc dốt” cơ bản được hoàn thành. Đây là một kỳ tích của nền giáo dục Việt Nam non trẻ.
“Bình dân học vụ số” - đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” ra đời cách đây 80 năm, Đảng và Nhà nước ta đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số", nhằm giúp người dân tiếp cận, tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển. Tri thức là chìa khóa và công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” ngày 26/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa vô cùng to lớn và nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào với tinh thần là “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người” để triển khai nhanh chóng - kết nối rộng khắp - ứng dụng thông minh. Phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ tạo động lực mới, sức mạnh mới, mang lại lợi ích thiết thực để Việt Nam vững vàng tiến bước trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh và thịnh vượng./.
Hoàng Yến (thực hiện)