Hợp tác quốc tế để y tế Việt Nam vươn xa
Nhờ mở rộng hợp tác quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã huy động được nhiều nguồn lực; giúp đơn vị chuyển mình, vươn xa trên bản đồ y học thế giới; trở thành nơi khám, chữa bệnh uy tín.
Đoàn chuyên gia Tổ chức Medrix (Hoa kỳ) phổ biến kinh nghiệm cho các điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Từ năm 1990 đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tích cực hợp tác quốc tế, từng bước làm chủ nhiều y thuật hiện đại, ghi dấu trên bản đồ y học thế giới; giúp Thừa Thiên - Huế trở thành một trung tâm y học xứng tầm ở khu vực.

* Đa dạng mô hình liên kết, đào tạo

Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận ngày càng nhiều đoàn cán bộ y tế trong khu vực và trên thế giới đến học tập trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực thế mạnh. Ước tính mỗi năm, có 100 - 110 đoàn, với khoảng 500 chuyên gia, bác sĩ, sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu, thực tập.

Sinh viên Vương quốc Anh thực tập tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Sinh viên Mark Richardson Ward (Vương quốc Anh) chọn Bệnh viện Trung ương Huế làm nơi nghiên cứu, học tập vì ở đây có nhiều chuyên khoa, lượng bệnh lớn cho phép quan sát, tìm hiểu. Thừa Thiên - Huế cũng là nơi uy tín trong giáo dục y khoa, tạo điều kiện cho giảng dạy và hướng dẫn kỹ lưỡng trong những tình huống thách thức. “Điều thú vị nhất trong thời gian thực tập của tôi là quan sát sự khác biệt trong cách điều trị do các bác sĩ của Bệnh viện về dịch tễ học các bệnh ở Việt Nam hướng dẫn. Tôi cũng rất ấn tượng với kỹ năng khám bệnh của các bác sĩ” - Mark Richardson Ward cho biết.

Từng là một sinh viên học tập, nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế vào khoảng 20 năm trước, nay bà Laura Crumly trở lại với vai trò là chuyên gia điều dưỡng cùng các đồng nghiệp từ Tổ chức Medrix (Hoa Kỳ) nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật tim. Bà Laura Crumly nhận thấy nhiều thay đổi trong ngành Điều dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Huế những năm qua, đánh giá cao sự gắn kết, cách các điều dưỡng đang cố gắng cải thiện bản thân, học hỏi mỗi ngày. Họ cố gắng lắng nghe, tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn những điều mà các chuyên gia Tổ chức Medrix giảng dạy. Sự trưởng thành từ kiến thức đến kỹ năng đã giúp cho việc chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng ngày càng tốt hơn.

Đoàn chuyên gia Tổ chức Medrix (Hoa kỳ) phổ biến kinh nghiệm cho các điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Mô hình liên kết đào tạo, trao đổi nhân lực giữa Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trên thế giới được xây dựng từ năm 1990. Nhờ đó, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện từng bước làm chủ các kỹ thuật cao trong y tế chuyên sâu, đạt trình độ tương đương với các nước có nền y học hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Đầu tháng 10/2024, chuyên ngành Nhi khoa và Huyết học - Truyền máu đã lần đầu thành công thực hiện 2 ca ghép tế bào gốc đồng loại điều trị bệnh lý tan máu bẩm sinh ở miền Trung - Tây Nguyên. Giáo sư Lawrence Faulkner (Quỹ chống lại bệnh ung thư máu và cấy ghép tế bào gốc tạo máu) đánh giá quá trình thu tế bào gốc diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Các điều dưỡng, bác sĩ theo dõi, chăm sóc bệnh nhi cẩn thận, hạn chế tối đa được tình trạng nhiễm trùng. Ông cho rằng, Bệnh viện Trung ương Huế hội đủ các yếu tố về huyết học, xét nghiệm để triển khai thuận lợi kỹ thuật ghép tế bào gốc.

Trước đó, Bệnh viện đã triển khai ghép tế bào gốc tự thân thành công cho 42 bệnh nhi; chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực và sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.

Để trở thành bác sĩ chính, tham gia các ca ghép tế bào gốc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế) đã học tập khoảng 5 tháng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và thường xuyên trao đổi trực tuyến với các chuyên gia quốc tế để có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt, cô còn học cách vận hành, theo dõi bệnh nhân nhằm đảm bảo kết quả triển khai, điều trị tốt nhất.

Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, các cán bộ y tế được đào tạo bài bản như bác sĩ Kim Hoa đã trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đem lại thành tựu y học lớn cho Bệnh viện Trung ương Huế cũng như nền y học Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

* Điểm sáng trong bức tranh hữu nghị quốc tế

Nhắc đến “người mẹ Nhật”, không ai ở Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế không biết đến bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á. Đối với các bệnh nhi ung thư và người nhà, bà Watanabe là "bà tiên" nhân hậu, giàu tình thương, đem lại tia sáng hy vọng cho nhiều em nhỏ không may bị bệnh. Bà là người có công lớn giúp Trung tâm Nhi khoa phát triển cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng điều trị như hiện nay.

Năm 2018, bà Watanabe đã vận động tài trợ kinh phí cho Bệnh viện xây thêm tầng 5 Khoa Nhi Ung bướu - Huyết học - Ghép tủy của Trung tâm Nhi khoa với nhiều trang thiết bị hiện đại. Các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây được bà hỗ trợ học bổng đào tạo lĩnh vực ung thư nhi. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhi ung thư được cứu sống tăng lên rõ rệt, từ 20% vào năm 2014 lên 70% trong năm 2024. Với sự kết nối của bà, ngày càng nhiều tổ chức biết đến và hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế. Từ năm 2005 - 2023, bà Watanabe đã vận động và tài trợ cho đơn vị gần 140 triệu yên Nhật (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng). Nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ung thư nhi cũng đã tới Huế để trao đổi chuyên môn sau khi nhận được lời mời của bà.

“Gần 30 năm gắn bó, Thừa Thiên - Huế đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Nếu không có sự hợp tác thân thiện, lâu dài với Bệnh viện Trung ương Huế, tôi khó có thể quay trở lại nơi này. Tôi mong tiếp tục được hợp tác với Bệnh viện cũng như cộng đồng địa phương để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân ung thư và tăng khả năng sống sót của họ” - bà Kazuyo Watanabe bộc bạch.

Thừa Thiên - Huế đang trên chặng đường cuối để cán đích trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Một nội dung quan trọng là xây dựng địa phương thành trung tâm y tế chuyên sâu, xứng tầm khu vực và quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế là hạt nhân quan trọng. Do đó, tỉnh luôn mong muốn các đối tác nước ngoài tìm hiểu, thúc đẩy đầu tư nhằm nâng tầm chất lượng của Bệnh viện thời gian tới.

Hàn Quốc luôn là đối tác được tỉnh quan tâm đặc biệt thời gian qua. Nhiều sản phẩm hợp tác giữa 2 nước đã hiện diện ở Huế, trong đó có dấu ấn hình thành, phát triển 12 năm qua của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tại huyện Phong Điền. Những kết quả tiến bộ vượt bậc về nhân lực, chuyên môn… của đơn vị có một phần không nhỏ đến từ các tổ chức của “Xứ sở kim chi”. Đặc biệt, công trình y tế rộng 36.000m2 của Bệnh viện là thành quả của sự góp sức từ các đối tác nước bạn, từ khâu thiết kế đến thi công xây dựng.

Trong bối cảnh Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đang được mở rộng, một số tổ chức phi chính phủ, bệnh viện và doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn hợp tác nhằm phát triển, nâng tầm cho cơ sở này. Kỳ vọng vào sự thịnh vượng của Bệnh viện Trung ương Huế, khi trao đổi trực tuyến với lãnh đạo Bệnh viện, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-Pyo cam kết sẽ dành sự quan tâm sâu sắc và liên tục hỗ trợ để tăng cường hơn nữa hợp tác y tế, chăm sóc sức khỏe giữa  2 nước trong tương lai.

Chuyên gia Tổ chức Medrix (Hoa kỳ) phổ biến kinh nghiệm cho các điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, đơn vị phát triển cân bằng giữa chất lượng dịch vụ với nhiều lĩnh vực mũi nhọn, nhiều người bệnh hài lòng. Đơn vị đã thu hút nhiều chuyên gia, sinh viên nước ngoài đến học, trao đổi chuyên môn. Nhiều bác sĩ trẻ của đơn vị cũng được đào tạo tại các nước có nền y học hiện đại. Đây là thế mạnh và cơ sở để Bệnh viện phát triển quan hệ, tiếp cận với các nền y học tiên tiến trên thế giới.

Ngoài mối quan hệ hợp tác lâu dài với Nhật Bản và Hàn Quốc, “sợi dây” kết nối của Bệnh viện Trung ương Huế còn gắn chặt với các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Đức… Nhờ mở rộng hợp tác quốc tế, Bệnh viện đã huy động được nhiều nguồn lực; giúp đơn vị chuyển mình, vươn xa trên bản đồ y học thế giới; trở thành nơi khám, chữa bệnh uy tín. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế đã góp phần làm vững chắc, tạo điểm sáng trong bức tranh quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới./.

Tin liên quan

Đổi mới giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Uỷ ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Việt Nam tại lễ hội giao lưu văn hóa châu Á ở Hong Kong (Trung Quốc)

Ngày 10/11, Lễ hội giao lưu văn hóa châu Á đã diễn ra tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với sự tham gia của các đoàn đến từ hơn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong đã tổ chức gian hàng giới thiệu các loại đặc sản và biểu diễn văn nghệ truyền thống để giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè các nước.

Thụy Điển và Việt Nam kết nối dịch vụ giữa cảng Gothenburg và Vũng Tàu

Tại buổi Tọa đàm bàn tròn và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển diễn ra ngày 12/11, hãng vận tải container hàng đầu thế giới - MSC đã công bố việc mở rộng dịch vụ SWAN từ năm 2025, theo đó lần đầu tiên kết nối trực tiếp giữa cảng Gothenburg (Thụy Điển) và Vũng Tàu (Việt Nam). Dịch vụ này dự kiến tăng cường luồng hàng hóa giữa hai khu vực, mang lại giải pháp vận chuyển hiệu quả, rút ngắn thời gian và củng cố mối quan hệ kinh tế song phương.

Cơ chế đặc biệt cho dự án đường sắt tốc độ cao

Theo báo cáo tiền khả thi, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có quy mô lớn với tổng mức đầu tư dự kiến xấp xỉ 70 tỷ USD. Dù đối mặt với những thách thức, nhưng công trình này hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm “chín muồi” cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đặc biệt cần có cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để đảm bảo đúng tiến độ.

Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại Giải thưởng ASOCIO DX Award 2024. Đây là một trong những giải thưởng thường niên uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - châu Đại dương, do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO - www.asocio.org) tổ chức, dành cho các cá nhân và doanh nghiệp đến từ 24 nền kinh tế thành viên.

Lợi ích kép từ bệnh án điện tử

Bắt đầu từ tháng 11/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai áp dụng Hệ thống Bệnh án điện tử sau 4 tháng thử nghiệm. Đây là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình này. Cũng trong quá trình triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe của người dân cũng đồng thời được tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Chính quyền số đem nhiều lợi ích cho người dân

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có chỉ số Chính phủ điện tử ở mức rất cao kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2003. Kết quả này khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nền quản trị gắn với chuyển đổi số. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là siêu dự án có quy mô đặc biệt lớn. Công nghệ mới và lần đầu tiên được triển khai nên việc đảm bảo tiến độ, chất lượng cho dự án là thách thức vô cùng lớn. Và để giải được bài toán này thì bắt buộc phải có nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao nhằm nâng tính tự chủ, tự lực tự cường tham gia vào quá trình thực hiện, tiếp quản vận hành. Đây cũng là cơ hội và trách nhiệm rất lớn để các đơn vị, doanh nghiệp trong nước chủ động hợp tác tham gia dự án này.