Khách du lịch tham quan và chụp ảnh lưu niệm vào mùa vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang). |
Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang mở rộng không gian phát triển du lịch, hướng tới hình thành thương hiệu du lịch Bắc Giang - Thông tin này được ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang mở rộng phát triển không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao giải trí ngoài trời gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử đặc sắc của tỉnh, các khu vực, địa điểm có điều kiện thuận lợi phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu thể thao giải trí ngoài trời phục vụ phát triển du lịch và nhu cầu trong tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, các khu vực xung quanh.
Bắc Giang ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng (Hà Nội- Bắc Ninh- Bắc Giang- Lạng Sơn; Hà Nội- Bắc Giang- Quảng Ninh; Hà Nội- Quảng Ninh- Bắc Giang; Thái Nguyên- Bắc Giang- Quảng Ninh…).
Tỉnh tập trung xúc tiến thu hút đầu tư hình thành và phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử (tả ngạn sông Lục Nam), bao gồm một phần huyện Yên Dũng (từ 1/1/2025 sáp nhập vào thành phố Bắc Giang), Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động - khu vực phía Đông tỉnh; Không gian du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí (hữu ngạn sông Lục Nam, tả ngạn sông Thương), gồm huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang - khu vực phía Đông Bắc tỉnh; Không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (hữu ngạn sông Thương- tả ngạn sông Cầu), gồm huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc tỉnh; Không gian văn hóa Quan họ, lịch sử ATK (Nam hữu ngạn sông Thương- tả ngạn sông Cầu), gồm huyện Việt Yên, Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam tỉnh; Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng (tả ngạn sông Cầu, tả - hữu sông Thương), bao gồm thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng - khu vực trung tâm và phía Nam tỉnh.
Du khách chèo thuyền ở hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang). |
Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Từ nay đến năm 2030, Bắc Giang tập trung xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, xây dựng 3 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và định hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch cấp tỉnh như: Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà; Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.
Đồng thời, hỗ trợ hình thành các điểm du lịch cộng đồng tại An Lạc, Đồng Cao, bản Mậu (huyện Sơn Động), bản Ven, bản Xoan (huyện Yên Thế); làng cổ Thổ Hà (thị xã Việt Yên); Khe Nghè (huyện Lục Nam); bản Bắc Hoa (huyện Lục Ngạn).
Ngoài ra, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch đất thương mại dịch vụ, thu hút đầu tư hình thành từ 2-3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, từ 8-15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao và khoảng trên 100 khách sạn du lịch tiêu chuẩn từ 1-3 sao. Tập trung quảng bá và hình thành các sản phẩm du lịch mang tính chất đặc trưng, đặc thù hướng tới hình thành thương hiệu du lịch Bắc Giang như: Con đường Hoằng dương Phật pháp Tây Yên Tử, golf Bắc Giang…
Tổng số khách du lịch đến Bắc Giang trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 2,2 triệu lượt, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều du khách đến thăm trong 9 tháng năm nay như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (huyện Sơn Động); Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, điểm du lịch cộng đồng bản Ven (huyện Yên Thế); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch Vạn Hoa- Hồ Va (huyện Lục Nam); chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên); các điểm du lịch hồ Bầu Tiên, du lịch vườn quả, du lịch hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn)…
Đáng chú ý, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 33 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với 250 hộ dân tham gia hoạt động. Trong số này, một số điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động có hiệu quả là: Bản Ven, bản Xoan, bản Thượng Đồng, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; bản Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động; bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; làng Thổ Hà, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên; điểm du lịch Bầu Tiên, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn; điểm du lịch Vạn Hoa Hồ Va, xã Đông Phú, huyện Lục Nam…/.