HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 7% năm 2024
Mặc dù siêu bão Yagi để lại nhiều tổn thất về kinh tế trong tháng 9, song việc sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tốt hơn kỳ vọng, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 lên 7%, thay vì 6,5% như trước.
HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 7% năm 2024.
Ảnh: BNEWS phát

Theo báo cáo "Vietnam at a glance – Riêng một đẳng cấp" của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành, sau năm 2023 và quý I/2024 đầy vất vả, Việt Nam đã trở lại là "ngôi sao" tăng trưởng của ASEAN. Tăng trưởng quý III/2024 đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo của HSBC cũng như các tổ chức khác.

Kết quả này vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất với mức tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời được thể hiện trong dữ liệu tích cực về thương mại, trong đó xuất khẩu quý III/2024 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng khích lệ là sự phục hồi của thương mại ban đầu chỉ tập trung trong lĩnh vực điện tử, nhưng giờ đang cho thấy dấu hiệu lan rộng, chẳng hạn như xuất khẩu dệt may và da giày tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng, mặc dù siêu bão Yagi có khả năng góp phần kéo tụt tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 9, song tác động được dự báo sẽ không kéo dài.

Thực tế, chỉ số PMI sản xuất đã giảm mạnh xuống vùng thu hẹp trong tháng 9, cho thấy sự đi xuống so với tháng trước khi các doanh nghiệp đánh giá thiệt hại đối với sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý các doanh nghiệp sản xuất được ghi nhận là tích cực đối với triển vọng tương lai với các điều kiện nhu cầu cơ bản vẫn mạnh mẽ.

Mặc dù cũng có vài dấu hiệu trúc trắc trong thương mại toàn cầu, các chỉ số chính như sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số, củng cố cho quan điểm ngành sản xuất sẽ tiếp tục vững vàng.

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp giảm nhẹ cho thấy tác động nặng nề hơn của siêu bão Yagi đối với lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, sự phục hồi của các dịch vụ trong nước tiếp tục tương đối yên ắng khi sự lan tỏa từ lĩnh vực bên ngoài đang phục hồi không rõ rệt. Tăng trưởng bán lẻ ít có dấu hiệu tăng, trong khi số lượng khách quốc tế theo tháng đã chững lại trong bối cảnh các nước trong khu vực cạnh tranh thu hút du khách.

Mặc dù vậy, có thể thấy những tín hiệu khả quan đáng khích lệ như dịch vụ tài chính và bất động sản tăng tốc trong quý III/2024. Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 sẽ càng củng cố cải thiện tâm lý trong lĩnh vực bất động sản, trong khi các biện pháp của Chính phủ như cắt giảm thuế cũng đồng thời hỗ trợ cho lĩnh vực bán lẻ trong nước qua thời gian.

Về FDI, Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn ngoại khi các khía cạnh nền tảng duy trì tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI đăng ký mới giảm trong quý III/2024, song các lĩnh vực bên cạnh sản xuất như bất động sản và năng lượng đều chứng kiến đầu tư gia tăng.

Theo HSBC, trong tương lai, các dòng vốn đổ vào sản xuất có khả năng cũng duy trì ổn định khi chuyển công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm Mỹ đã gặt hái được sự quan tâm từ một số công ty như Meta. Những nỗ lực không ngừng thắt chặt quan hệ với các đối tác quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm đầu tư, chẳng hạn như Việt Nam mới đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện.

Về lạm phát, nhờ hiệu ứng cơ sở và diễn biến giá thuận lợi liên quan đến giá hàng hóa và biến động tỷ giá, lạm phát đã có dấu hiệu giảm đáng chú ý trong những tháng gần đây. Giá năng lượng thế giới giảm cộng thêm chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu đảo chiều, lạm phát được kỳ vọng sẽ nằm dưới mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong quý III/2024, HSBC nâng dự báo GDP cho năm 2024 lên 7% (trước là 6,5%), kỳ vọng sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn và mở rộng thêm ra các lĩnh vực trong những quý tới. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025, HSBC vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%.

Mặc dù vậy, với sự phục hồi vẫn diễn ra không đồng đều, các chuyên gia của ngân hàng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng và giữ lãi suất chính sách ở mức 4,5% cho đến hết năm 2025./.

Tin liên quan

Các tổ chức quốc tế tin tưởng vào sức mạnh của kinh tế Việt Nam

Bất chấp những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra cho nước ta (mà theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP trong năm nay), các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược".

Tổng Giám đốc UNDP: "Việt Nam là đối tác chủ chốt của LHQ với những đóng góp to lớn về phát triển con người và tăng trưởng bền vững"

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York.

Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, Quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Nền kinh tế tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN: Tinh thần Việt Nam, tầm nhìn Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, từ ngày 8-11/10, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào có chủ đề “Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” đã kết thúc tốt đẹp, khép lại năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào với những dấu ấn riêng biệt. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị đã đóng góp hiệu quả vào tất cả các hoạt động, truyền tải thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai ASEAN; khẳng định hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực, trách nhiệm, chân thành và hữu nghị; thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, góp phần vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.

Hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là nền tảng cho mối quan hệ lâu dài Việt Nam - Thái Lan

Hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương Việt Nam - Thái Lan. Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng trong chuyến công tác tới thăm cộng đồng kiều bào tại một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan từ ngày 7-10/10, kết hợp làm việc với chính quyền các địa phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.

Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn xa: Bài 2 – Phát triển mô hình "Thành phố trong thành phố"

Khái niệm về mô hình "Thành phố trong thành phố" ở nước ta đã được đề cập từ lâu, nhưng trở thành quen thuộc và nhắc nhiều trong thời gian gần đây tại Hà Nội. Thành phố đang đẩy nhanh về chiến lược mở rộng đô thị ra nhiều hướng, với nhiều huyện được nâng cấp lên thành quận và tiến tới xây dựng các thành phố xứng tầm ở ngoại đô.

Đưa tranh hiện đại của danh họa Việt Nam đến gần hơn với khán giả Pháp

Ngày 10/10, Bảo tàng Cernuschi - bảo tàng nghệ thuật châu Á của thủ đô Paris - đã khai mạc Triển lãm tranh mang tên “Những người tiên phong của nghệ thuật hiện đại Việt Nam tại Pháp”. Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 3 danh họa Việt Nam là Lê Phổ, Mai Thứ và Vũ Cao Đàm. Dự lễ khai mạc có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và ông Éric Lefebvre, Giám đốc Bảo tàng Cernuschi, cùng đông đảo khách tham quan Việt Nam và Pháp.