Huyện biên giới phía Nam nỗ lực giảm nghèo bền vững
Để có được “hoa thơm trái ngọt” trong công tác giảm nghèo, bên cạnh các giải pháp, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương... còn nhờ có tinh thần siêng năng, sáng tạo của hộ nghèo.
Mô hình nuôi bò sinh sản để thoát nghèo.
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Giang Thành là huyện biên giới có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn của tỉnh Kiên Giang và có đông đồng bào dân tộc thiểu số (gần 2.000 hộ, chiếm gần 22% dân số), trong những năm qua, huyện có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, mang lại nhiều kết quả tốt. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tính đến giữa tháng 9/2024 còn 1,76%; thấp hơn nhiều huyện, thành phố trong tỉnh. Đáng ghi nhận là hầu hết hộ nghèo đều nêu cao tinh thần siêng năng, sáng tạo, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Tham gia cùng Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành tìm hiểu mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi ếch thịt của hộ ông Đặng Thanh Hùng, ở ấp Mẹc Lung, chúng tôi cảm phục tinh thần siêng năng lao động của vợ chồng lão nông 70 tuổi. Ông Hùng cho biết, gia đình không có đất ruộng và không có vốn để đầu tư chăn nuôi nên vợ chồng ông sống chủ yếu vào công việc bán rau cải ở chợ nhóm, thu nhập bấp bênh, cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình nhiều chục năm qua.

Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, giữa năm 2023, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Vĩnh Phú đã hỗ trợ 2 con bò sinh sản và đến giữa năm 2024 hỗ trợ thêm 8.000 con ếch giống để giúp gia đình ông có điều kiện tham gia sản xuất. Hiện tại, bên cạnh chăm sóc 2 con bò và đàn ếch, ông Hùng cũng chăn nuôi và trồng trọt thêm một số vật nuôi, rau cải ngắn ngày, vợ ông vẫn bán rau cải ở chợ để có thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Hùng chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 3 người con đã lập gia đình, ở riêng và có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi cố gắng thức khuya dậy sớm bán rau cải, nhưng ở chợ nhỏ vùng giáp biên giới này đa phần người dân khó khăn nên buôn bán không được bao nhiêu. Vì vậy, khi được chính quyền địa phương hỗ trợ con giống, vốn và tư vấn kỹ thuật chăm sóc bò, ếch, tôi rất phấn khởi. Hiện tại, tôi trồng cỏ, cắt cỏ nuôi bò, nuôi thêm gà, vịt, cá rô, cá phi và trồng thêm bầu, mướp, rau thơm… để bán lấy tiền mua thức ăn cho ếch. Có điều kiện sản xuất và thu nhập ổn định, vợ chồng tôi đăng ký thoát nghèo để Nhà nước chăm lo cho các hộ nghèo khác”.

Là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, bà Dương Thị Lựa (68 tuổi) cho biết, trước đây khi con trai bà còn sống đi làm máy cuốc đất, cuộc sống gia đình tuy không dư giả nhưng cũng được đủ đầy. Hơn 3 năm trước, chẳng may người con của bà tử vong do tai nạn lao động, cũng trong khoảng thời gian này căn bệnh xuyễn của chồng bà trở nặng, đi đứng khó khăn, không còn sức lao động nên gia đình càng trở nên nghèo khó hơn.

Với mong muốn tạo điều kiện cho gia đình bà vươn lên thoát nghèo, địa phương đã hỗ trợ 2 con bò giống, vốn vay ưu đãi và tư vấn chăn nuôi bò, thỏ để tạo nguồn thu nhập, giúp ổn định cuộc sống.

“Hai con bò được Nhà nước hỗ trợ đến nay mỗi con nặng hơn 200kg, có thể bán được. Tuy nhiên, tôi giữ lại và đã cho phối giống để chúng sinh bê con, phát triển đàn bò nhiều lên. Hiện tại, tôi nuôi 12 con thỏ sinh sản để bán thỏ con và nuôi thỏ thịt mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng, đủ lo cho cuộc sống gia đình. Là hộ nghèo, được Nhà nước mua tặng thẻ bảo hiểm y tế nên việc khám, chữa bệnh không phải tốn kém, vợ chồng tôi cũng yên tâm. Nhà nước đã trao cho mình cần câu, còn mình phải lo câu cá mới có thể thoát nghèo và vươn lên được”, bà Lựa nói.

Mô hình nuôi ếch thịt để thoát nghèo. 
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Theo ông Danh Rết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, trên địa xã hiện có hơn 60 hộ nghèo và cận nghèo; trong đó chủ yếu là hộ dân tộc Khmer. Trong năm 2024, xã đề ra mục tiêu giảm khoảng 40 hộ nghèo, cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 1,5% vào cuối năm.

“Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, bên cạnh triển khai đầy đủ các chính sách, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động các thành viên gia đình hộ nghèo, cận nghèo hăng say lao động, nêu cao ý chí vươn lên. Cùng với đó, địa phương tìm hiểu từng hoàn cảnh, điều kiện gia đình để định hướng chọn lựa mô hình sản xuất phù hợp, hỗ trợ vốn, cây, con giống, phương tiện và cử cán bộ xã, ấp thường xuyên theo dõi, hỗ trợ bà con làm ăn hiệu quả”, ông Rết cho hay.

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Giang Thành, năm 2021 toàn huyện có 387 hộ nghèo, chiếm 4,7%; trong đó có 150 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm hơn 38% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Đến đầu tháng 9/2024 huyện giảm còn 146 hộ nghèo, bằng 1,76%; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 51 hộ, chiếm gần 35%.

Ông Tạ Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) cho biết, để có được kết quả trên, huyện đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững như: Đẩy mạng công tác đào tạo nghề nông thôn, tư vấn giới thiệu giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động... Huyện rà soát đầy đủ, đúng đối tượng để mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội từ 19.000 đến 24.000 người mỗi năm. Cùng với đó, huyện quan tâm đầu hạ tầng giao thông nông thôn, hỗ trợ vay vốn để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện lao động sản xuất, kinh doanh với doanh số hơn 110 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Giang Thành thông tin thêm, để có được “hoa thơm trái ngọt” trong công tác giảm nghèo, bên cạnh những nỗ lực thực hiện các giải pháp, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương... chính là tinh thần siêng năng, sáng tạo của hộ nghèo, đặc biệt là việc áp dụng hiệu quả các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định và phát triển kinh tế bền vững cho gia đình. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhất là nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm hay để giúp người dân thoát nghèo bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Điểm tựa phục hồi sau thiên tai

Sau những thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 (bão Yagi) và các trận lũ lụt, sạt lở liên tiếp thì công tác cứu trợ rất quan trọng, nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn.

Tiến sĩ Ruvislei González Saez: Việt Nam và Cuba cần tiếp tục bảo tồn di sản mà các thế hệ đi trước đã dày công gây dựng

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tới Cuba sẽ là chuyến thăm lịch sử và đặc biệt đối với Cuba trong thời điểm hiện tại, thể hiện mối quan hệ đặc biệt, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Cuba và Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam – Cuba - Hình mẫu của tình đoàn kết quốc tế

Những gì mà Việt Nam và Cuba dành cho nhau trong hơn nửa thế kỷ qua đã vượt qua khuôn khổ thông thường của một mối quan hệ song phương, bởi đó là mối quan hệ trước sau như một, trong sáng và sẻ chia giữa 2 nước anh em, bất chấp sự xa cách về địa lý cũng như mọi biến thiên của thời cuộc.