Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân dần được số hóa trên các nền tảng dịch vụ công tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. |
Ảnh: Giang Phương - TTXVN |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tỉnh Tây Ninh, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, ở những xã vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính ngày càng được đẩy mạnh và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
* Thuận tiện cho người dân
Thành Long là một xã vùng sâu biên giới nằm phía Tây huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Năm 2021, Thành Long được công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới sau hơn chục năm nỗ lực triển khai xây dựng. Đến nay, đời sống, kinh tế, xã hội của người dân xã vùng biên này cơ bản ổn định và phát triển. Đáng nói, chính quyền địa phương đang có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công một cách thuận tiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành) cho biết, dù ban đầu ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp hồ sơ trực tuyến trên điện thoại nhưng được sự hướng dẫn nhiệt tình từ Tổ công nghệ số cộng đồng của địa phương nên ông dần biết cách và cảm thấy thuận lợi hơn. Theo ông Minh, nếu từng công đoạn được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ của mỗi cán bộ thì sẽ có càng nhiều người như ông thuận tiện trong làm thủ tục hành chính.
Cán bộ UBND xã Thành Long (Châu Thành, Tây Ninh) hỗ trợ người dân xã biên giới sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục hành chính. |
Ảnh: Giang Phương - TTXVN |
Hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến chưa đầy 30 phút ở UBND xã Thành Long, bà Lê Ánh Hồng (39 tuổi, ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết, nhờ có nộp hồ sơ trực tuyến ngay trên điện thoại giúp bà rút ngắn thời gian hoàn thành hơn một nửa. Bà Hồng chia sẻ, trước đây, khi xã vùng biên này chưa ứng dụng làm dịch vụ điện tử, để hoàn tất bộ hồ sơ có khi mất cả tuần đi lại, bổ sung. Đặc biệt, điện thoại thông minh kết nối mạng đã hỗ trợ nhanh chóng hơn, thậm chí, có thể kết nối được với Zalo của UBND xã để biết thông tin, tra cứu được thời gian xử lý hồ sơ của mình cũng như phản ánh những bất cập của người dân một cách dễ dàng. Bà Hồng cho rằng, nếu thời gian tới, tất cả thủ tục hành chính đều có thể ứng dụng giải quyết trực tuyến thì càng tạo điều kiện để người dân thuận tiện hơn.
Ông Võ Minh Nhật, Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Châu Thành nhấn mạnh vai trò rất lớn của chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương. Theo ông Nhật, nhờ thông qua chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân công khai, minh bạch hơn; giảm thiểu thời gian thực hiện hồ sơ, giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và công dân so với việc thực hiện thủ tục thủ công trước đây.
Hiện tại, Thành Long cùng với những xã vùng biên khác của tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mô hình “Xã chuyển đổi số”, định hướng người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số. Mục tiêu lớn nhất nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; mở rộng kênh thông tin để người dân, tổ chức và doanh nghiệp được tiếp cận đầy đủ, chính xác, minh bạch thông tin.
* Tạo cơ hội phát triển
Các thủ tục hành chính được số hóa trên các nền taảng dịch vụ công, góp phần tạo sự thuận lợi, minh bạch trong giải quyết thủ tục cho người dân. |
Ảnh: Giang Phương - TTXVN |
Thực tế có nhiều khó khăn đối với chuyển đổi số trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh Tây Ninh, như các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi; việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với các hệ thống của một số bộ, ngành chưa được thông suốt. Tuy nhiên, nhiều giải pháp để số hóa các công đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính đang được tỉnh triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, trong nền tảng dùng chung của tỉnh cũng đã tích hợp Cổng dịch vụ công với hệ thống Một cửa điện tử kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Đồng thời, Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành được tích hợp chữ ký số bằng SIM di động và triển khai cho toàn hệ thống chính trị, xã hội của tỉnh.
“Việc này giúp lãnh đạo đi công tác có thể ký được chữ ký số trên thiết bị di động và điện thoại di động cũng có thể tham gia trong quá trình vận hành văn bản điện tử cũng như chỉ đạo điều hành”, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu cho thấy hiệu quả cao, tạo sự ủng hộ lớn từ người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn để các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng biên giới có thể thành thạo các thao tác sử dụng các nền tảng số để triển khai hướng dẫn lại cho người dân địa phương.
Hiện, Tây Ninh đã đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành kinh tế, xã hội tập trung (Trung tâm IOC). Trung tâm này cho phép tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu của bộ, ngành và địa phương trên tất cả lĩnh vực. Qua đó giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và khả năng phân tích dữ liệu lớn; từ đó hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội./.