Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, tại cánh đồng xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. |
Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN |
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từng địa phương cũng như cả nước. Để phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, một trong các giải pháp được triển khai là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, đưa khoa học - công nghệ gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành hàng là thế mạnh của vùng.
* Gắn với thực tiễn phát triển vùng
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy sản, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất đất nước. Đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nhiều ngành kinh tế khác, như: du lịch, năng lượng tái tạo…
Theo Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có sự tăng trưởng khá, một số lĩnh vực phát triển tốt. Trong đó, lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả, gắn với thực tiễn sản xuất, thể hiện rõ vai trò tạo động lực quan trọng cho phát triển. Hoạt động khoa học - công nghệ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo.
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre Lâm Văn Tân thông tin, tại Bến Tre nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao. Nổi bật là các kết quả nghiên cứu như: quy trình nhân giống cua biển góp phần đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng mang chỉ dẫn địa lý Bến Tre; quy trình thu giống tự nhiên, nuôi hàu thương phẩm; các mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu ứng dụng quy trình nuôi cá Hồng Mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp cho năng suất nuôi đạt 8 tấn/ha, đồng thời, sản phẩm được chế biến thành cá khô một nắng đã được công nhận là sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Tương tự, theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, tỉnh tập trung đầu tư nghiên cứu, nâng cao năng lực ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tập trung vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm không gây ô nhiễm môi trường gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đưa Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực phía Nam, cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị- công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
* Nâng giá trị nhiều sản phẩm chủ lực
Nông dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh giới thiệu quả dừa sáp với du khách. |
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ là các đề tài, dự án, nhiệm vụ đều gắn với thực tiễn sản xuất, tập trung nâng cao hiệu quả, chuỗi giá trị của các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nhiều ngành hàng chủ lực, như: sản xuất gạo chất lượng cao, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị cao, xây dựng thành công các vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng, cá tra theo chuỗi. Từ đó, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, lợi thế của địa phương, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho hay, góp phần nâng cao chuỗi giá trị kinh tế từ cây dừa, đặc biệt là đặc sản dừa sáp, tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi. Trong đó, tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống và trồng dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy phôi, thực hiện cấy phôi và đem thuần dưỡng tại vườn ươm, xây dựng 6 ha mô hình trồng dừa sáp cấy phôi tại huyện Cầu Kè, tỷ lệ cây sống đạt tới 99,8%. Đồng thời, Trà Vinh còn triển khai thực hiện đề tài thiết kế, chế tạo thiết bị xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa, góp phần phân loại trái dừa, tạo thuận lợi cho công đoạn chế biến dừa sau thu thu hoạch.
Với tỉnh Đồng Tháp, theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thành Tài, các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh là lúa gạo, hoa - cây kiểng, sen, xoài, cá tra. Để nâng cao giá trị ngành hàng, nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến đã và đang được triển khai. Trong đó, có các đề tài: nghiên cứu quy trình chế tạo vật liệu đạt chuẩn sản xuất túi bao trái phục vụ canh tác xoài xuất khẩu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn; nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho làng hoa Sa Đéc...
Cùng đề cập các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng gắn với gắn với thực tiễn sản xuất, hỗ trợ phát triển các ngành chủ lực của địa phương đạt giá trị cao hơn, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho hay, Sở tiếp tục tham mưu đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ từ khâu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ đến tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, nghiệm thu; đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Các đơn vị chức năng thực hiện đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền kết quả nghiên cứu, ứng dụng nhằm đưa thông tin nhanh, kịp thời đến cơ sở, doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự lan tỏa tích cực hơn nữa về hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ khoa học - công nghệ sau khi được bàn giao ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.