Kỷ nguyên mới - Bài 1: Vươn tầm bằng nội lực
Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là thông điệp được nhắc đến trong các bài viết, phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Việt Nam năm 2024, như lời khẳng định khát vọng và quyết tâm xây dựng tương lai hùng cường của đất nước. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, học giả quốc tế, Việt Nam đứng trước bước chuyển mình với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định là “chưa bao giờ có được”. Với chủ đề “Kỷ nguyên mới”, hai bài viết “Vươn tầm bằng nội lực” và “Bệ phóng vững chắc” là tập hợp dư luận, bình luận quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong năm 2024, cơ hội và thách thức trên con đường hướng tới kỷ nguyên mới của dân tộc.

Bài 1: Vươn tầm bằng nội lực

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2024, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Okonjo-Iweala đã gọi Việt Nam là “câu chuyện thành công về sự vươn lên phát triển kinh tế-xã hội”. Đánh giá đó đã được khẳng định chắc chắn trong năm 2024, khi Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng bất chấp bối cảnh quốc tế vẫn chao đảo do những tác động của xung đột kéo dài và căng thẳng địa chính trị.“Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế lớn nhất châu Á”, “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt trội hơn nhóm ASEAN-6”, “Việt Nam thuộc nhóm tiên phong về phát triển công nghệ có trách nhiệm”, “Việt Nam có thể dẫn đầu Đông Nam Á về thương mại điện tử” – Đó chỉ là một số trong rất nhiều tít bài trên truyền thông quốc tế khi tổng kết về tình hình Việt Nam năm 2024, cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm sáng về tăng trưởng.

Với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính đạt gần 7%, Việt Nam được các thể chế kinh tế tài chính hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... công nhận và đánh giá như một hình mẫu tăng trưởng. Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN. Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng những xếp hạng của các tổ chức quốc tế phản ánh sự tiến bộ đầy ấn tượng của kinh tế-xã hội Việt Nam trong năm, là nền tảng để Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao, điều mà hẳn không ai có thể tưởng tượng được vào cuối thế kỷ XX. Trong khi đó, chuyên gia Layton Pkie, thành viên Ban Cố vấn của Viện Chính sách Australia – Việt Nam, nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã vượt xa kỳ vọng.

Sự phục hồi, ổn định và phát triển của nền kinh tế ngày càng rộng mở đã góp phần giúp gia tăng đáng kể uy tín, vị thế của đất nước trong thu hút đầu tư quốc tế. Giáo sư Reena Marwah tại Đại học Delhi (Ấn Độ), đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Học giả châu Á, đánh giá Việt Nam có một nền kinh tế mạnh mẽ và kiên cường, đang nổi lên là địa điểm rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp lớn cũng như các tập đoàn đa quốc gia. Đó là lý do tại sao vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 27 tỷ USD và Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng tiếp tục là một “mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng, với sản lượng sản xuất tăng 8,1% năm 2024 theo đánh giá cuả cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch. Với chủ trương “Chính phủ hành động”, Chính phủ Việt Nam cũng được đánh giá cao về hiệu quả điều hành kinh tế với các chính sách khuyến khích, chương trình kết nối, tạo điều kiện để kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được an tâm đầu tư, cũng như hợp tác nghiên cứu, học tập với các cơ sở trong nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển công nghệ đang là xu hướng toàn cầu, việc tập đoàn sản xuất chip hàng đầu Nvidia của Mỹ đầu tư thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI là minh chứng rõ nét cho thấy Việt Nam là “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trang Diplomat gọi đây là bước tiến đáng kể trong kế hoạch đưa Việt Nam thành trung tâm công nghệ trong khu vực Đông Nam Á. Khát vọng của Việt Nam trong việc góp phần dựng xây một thế giới hòa bình, bền vững còn được thể hiện nổi bật qua những bước đi tiên phong trong phát triển AI có đạo đức cũng như những chính sách bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đánh giá “Việt Nam là hình mẫu về cách tiếp cận AI có trách nhiệm”, trang mạng opengovasia.com nhận định việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI đã góp phần nâng Việt Nam lên vị trí vững chắc trên bản đồ các quốc gia thực hiện các biện pháp chủ động để đảm bảo vận dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm cho xã hội.

Những thành quả tích cực của nền kinh tế là động lực, đồng thời được “tiếp sức” nhờ những bước tiến rõ rệt về xã hội. Vốn có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, nhà nghiên cứu chính trị-lịch sử Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, ông Kyril Whittake, đề cao sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng mang đến đổi thay cho mọi miền đất nước, từ các dự án giao thông công cộng như các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến kế hoạch phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hệ thống giao thông chất lượng cao và bền vững. Ông đặc biệt ấn tượng với các biện pháp ổn định đời sống, đảm bảo an toàn an ninh, phúc lợi xã hội cho người dân, với minh chứng là nỗ lực tái thiết ở Làng Nủ sau trận lũ quét và sạt lở đất hồi tháng 9 xóa sổ các khu dân cư, nhà cửa và sinh kế của người dân. Đây là kết quả của các chính sách lâu dài của Đảng về xóa đói giảm nghèo và các chương trình cải thiện mức sống của người dân bắt đầu từ năm 1945.

Đánh giá về thành tựu nhân quyền và phát triển con người, ông Whittaker nêu rõ ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và Quốc hội cao nhất, có thành tích ấn tượng về đại diện lao động với hoạt động của các tổ chức công đoàn và luật lao động. Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân cũng được đảm bảo, với nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư. Ông Whitter cho rằng việc thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của người lao động, quyền tự do tín ngưỡng là minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ có luật nhân quyền mạnh mẽ mà còn tập trung đảm bảo việc thực hiện các quyền mà người dân được trao.

Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt và tiến hành cuộc cách mạng "tinh gọn bộ máy", nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ kiên quyết thực hiện “tinh gọn bộ máy” nhằm nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và tạo đột phá về phát triển kinh tế, có thể đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Việt Nam đã duy trì được sự ổn định chính trị dù có những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo và hoàn thiện ban lãnh đạo theo đúng các quy trình chính trị và Hiến pháp. Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh từ trung ương đến địa phương, tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng Đảng và hướng tới tương lai. Giáo sư Carl Thayer khẳng định đây là cơ sở để củng cố lòng tin của người dân và các nhà đầu tư quốc tế. Đồng quan điểm này, Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Việt Nam đang có bộ máy chính trị hết sức năng động. Theo Giáo sư, Ban lãnh đạo hiện tại đã kế thừa được những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả về công tác lãnh đạo điều hành và niềm tin của người dân, ổn định được hệ thống chính trị, chuẩn bị cho những cải cách sâu rộng hơn nữa cho tương lai phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức và biến động khó lường, những kết quả đã đạt được trong năm qua là cơ sở để tin vào đà tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai quyết liệt và nhận được sự đồng thuận trong nhân dân, hứa hẹn nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời tạo nguồn cảm hứng đổi mới cho khu vực tư nhân và toàn xã hội. Ngoài ra, nguồn nhân lực dồi dào, năng động trong một xã hội luôn đề cao giáo dục và tinh thần yêu nước cũng sẽ là một tiềm lực mạnh mẽ giúp Việt Nam tiếp tục vươn cao, bay xa trong kỷ nguyên mới./.

PHƯƠNG HÀ - PHƯƠNG OANH

Tin cùng chuyên mục

Khởi động "Việt Nam Đẹp Xanh"

Phát động chiến dịch “Phố phường sạch xanh” hướng tới việc nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và làm đẹp môi trường sống. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm truyền cảm hứng về lối sống xanh bền vững và trách nhiệm cộng đồng nằm trong sự kiện “Việt Nam Đẹp Xanh” do Quỹ Hợp tác và Phát triển Cộng đồng C&D phối hợp với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tổ chức tối nay (27/12) tại Hà Nội.

Tiết kiệm chi trong đầu tư là bài toán quan trọng

Năm 2025, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đề ra các nhiệm vụ tài chính ngân sách. Theo đó, thu ngân sách phải tăng, chi ngân sách tiết kiệm, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các công trình trọng điểm của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025.

Nông dân hạnh phúc, nông thôn hiện đại, nông nghiệp tiên tiến

Chiều 27/12, dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tăng tốc, bứt phá, với mục tiêu nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn; nông thôn hiện đại hơn; nông nghiệp tiên tiến hơn; cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

10 địa điểm trong nước được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Booking.com, một trong những nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới vừa công bố 10 điểm đến trong nước được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất từ ngày 24/1 - 9/2/2025 (đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025). Theo đó, Đà Lạt tiếp tục dẫn đầu danh sách với mức tăng trưởng 300% về lượt tìm kiếm so với năm trước.  

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... 

Một số chỉ tiêu về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế; Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế...  

Đường lớn đã mở

Ngoại giao kinh tế Việt Nam năm 2024 đã khẳng định vai trò dẫn dắt với những bước đột phá ngoạn mục, đạt được các mục tiêu trọng tâm và mở ra “đường lớn” đầy hy vọng cho sự phát triển nhanh, bền vững.