Truyền thông quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng
Ngày 25/12, trang fibre2fashion.com (Ấn Độ) đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển với những tín hiệu tích cực.

Cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ (USFIA) cho thấy Việt Nam ghi điểm cao hơn một số nước châu Á về sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn vì đang dẫn đầu về khả năng sản xuất nhanh nhiều loại sản phẩm nhờ đầu tư vào máy móc và có lực lượng lao động lành nghề.

Xuất khẩu hàng dệt may (trừ sợi và xơ) và hàng may mặc của Việt Nam không ngừng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính cho hàng dệt may của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Bài viết nhận định những lý do thúc đẩy tăng trưởng gồm nhu cầu toàn cầu tăng, đầu tư chiến lược vào công nghệ và đổi mới, các hiệp định thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Nhu cầu toàn cầu tại các thị trường trọng điểm là Mỹ, châu Âu và châu Á tăng, sau khi phục hồi từ đại dịch COVID-19. Theo trang fibre2fashion.com, các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đang đầu tư vào máy móc tự động, số hóa và các hoạt động bền vững để nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng trong quy trình sản xuất. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua khai thác các thị trường mới ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Các quan hệ đối tác thương mại mới và khả năng sinh lợi đã được định hình. Các hiệp định thương mại chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.

Tương tự, trang financemiddleeast.com (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bài viết, châu Á tiếp tục là nền tảng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dự kiến chiếm 60% mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024. Mặc dù kinh tế của Trung Quốc sụt giảm, nhưng các thị trường châu Á khác trở thành điểm nóng đầu tư. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ dự kiến tăng hơn 6% trong năm 2024. Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philippines được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Dữ liệu từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng 8,1% trong năm 2024. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực

Trang tin chứng khoán, dữ liệu kinh tế, tài chính investing.com của Mỹ đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trong tháng 11 năm nay, khi thặng dư thương mại tăng đáng kể đi đôi với tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng

Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã đồng thuận thông qua Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. Đây là lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Việc Liên hợp quốc lựa chọn Thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.  

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024

Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức lễ trao giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh những tác giả xuất sắc, những tác phẩm báo chí ghi trọn những khoảnh khắc ấn tượng thông qua lăng kính nhiếp ảnh. Sau gần 2 tháng phát động (từ 24/10/2024 đến 30/11/2024), Giải đã nhận được 3.435 tác phẩm (trong đó có 2.930 tác phẩm ảnh đơn và 505 tác phẩm ảnh bộ) của 431 tác giả gửi đến dự thi. Ban Tổ chức đã chọn 22 tác phẩm xuất sắc để trao giải và trưng bày tại Lễ trao giải.  

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2024 DO TTXVN BÌNH CHỌN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời; Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt; Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp bản hùng ca của Tổ quốc; Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%; Siêu bão Yagi làm 345 người chết, mất tích; Thông qua chủ trương đầu tư, tái khởi động hai dự án quan trọng; Hoàn thành thần tốc công trình 500kV mạch 3; Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn.