Đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối đã hoàn thành đóng điện vào chiều ngày 19/8/2024. |
Ảnh: TTXVN |
Lễ khánh thành được tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính diễn ra tại trạm biến áp 500kV Phố Nối (Hưng Yên) và kết nối trực tuyến đến 8 điểm cầu thuộc 8 tỉnh nơi có dự án đi qua.
Có thể nói, một Dự án đặc biệt phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị với khối lượng khổng lồ, được thi công trong thời gian gấp rút đã tạo nên dấu ấn tinh thần mạch 3 và kỳ tích của ngành điện.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối do EVNNPT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng đi qua 9 tỉnh, gồm 4 dự án thành phần. Với tổng chiều dài khoảng 519 km, Dự án có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn, thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau như mưa rét, nắng nóng, bão lũ, mưa giông, gió lốc… và đi qua nhiều địa hình hiểm trở.
Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.Thông thường một Dự án với quy mô tương tự như Dự án đường dây 500kV mạch 3, công tác chuẩn bị đầu tư thường mất từ 2-3 năm mới có thể khởi công. Tuy nhiên với tính chất cấp bách và quan trọng tại Dự án này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, vào cuộc chủ động và phối hợp chặt chẽ để giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến Dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Do vậy, các bộ, ngành cũng đã làm việc xuyên đêm, xuyên ngày nghỉ để chưa đầy 5 tháng từ khi trình lần đầu, chủ trương đầu tư của các dự án đã được phê duyệt.
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, EVN/EVNNPT đã lựa chọn nhà thầu để tháng 10/2023 khởi công dự án cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa và đến ngày 18/1/2024 triển khai thi công đồng loạt 3 dự án còn lại.Đáng chú ý, đối với việc xây dựng các đường dây cao áp, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là nút thắt lâu được tháo gỡ và luôn là đường găng của mỗi dự án thì tại Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, mặt bằng lại đợi nhà thầu. Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị quản lý 2 dự án thành phần Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa cho biết: "Chưa có dự án nào lại thuận lợi trong bồi thường GPMB như dự án này. Mặt bằng đợi người thi công".
Có được kết quả này bởi thực hiện chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, 9 địa phương trong vùng dự án đã bàn giao sớm mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đây là điểm rất khác biệt so với các dự án đường dây 500kV mà EVNNPT đã triển khai từ nhiều năm trước đây.
Những khó khăn trong quá trình triển khai Dự án được ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN chỉ ra như, trong suốt thời gian thi công Dự án, thời tiết tháng 5, 6, 7 mưa nắng thất thường, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh mưa nhiều, kèm theo giông sét, gió mạnh gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Dự án còn đòi hỏi tiến độ thi công rất gấp và khối lượng vật tư thiết bị khổng lồ nhưng cần cung cấp trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, do đặc thù dựng cột, kéo dây yêu cầu nhân lực phải có chuyên môn làm việc trên cao, Tập đoàn đã huy động toàn bộ nhân lực thuộc EVNNPT để tham gia, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tính toán, bố trí nhân lực hợp lý trên toàn tuyến.Theo ông Võ Hoài Nam, Thành viên HĐTV EVNNPT, với khó khăn do khối lượng cột thép rất lớn (145.000 tấn) và phải giao hàng trong thời gian ngắn nên các nhà thầu sản xuất trong nước bị quá tải, EVN/EVNNPT đã đôn đốc nhà thầu tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm nhà thầu phụ ngay khi phát hiện bị chậm. Đồng thời linh hoạt điều chuyển các loại cột khác nhau giữa các gói thầu xây lắp để đồng bộ giữa việc cấp cột cho các vị trí móng đã hoàn thành nhằm hạn chế việc móng chờ cột. Bên cạnh đó, EVNNPT đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán để nhà thầu có kinh phí tiếp tục mua sắm vật liệu và tăng cường nhân lực chế tạo, sản xuất cột thép.
Ở độ cao 50m, công nhân kỹ thuật đu dây lắp khung định vị. Ảnh: TTXVN |
Ảnh: TTXVN |
Một điểm nhấn là từ khi triển khai xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3, từ lãnh đạo cao nhất Tập đoàn, đến lãnh đạo EVNNPT hàng ngày di chuyển đến từng vị trí, vừa kịp thời động viên anh em công nhân, vừa đốc thúc tiến độ trên toàn tuyến. Do vậy, người lao động luôn hăng say làm việc trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt của khu vực phía Bắc, nhất là khi nhiệt độ nhiều nơi lên đến hơn 40 độ C. Khắc phục thời tiết xấu, các ban quản lý dự án đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh thi công trong điều kiện thời tiết tốt, đảm bảo ăn ở cho công nhân gần vị trí móng với thời gian làm việc phù hợp.Lãnh đạo EVN cũng cho biết, đây là công trình cấp bách nên toàn thể lãnh đạo các đơn vị đều thường xuyên đôn đốc, giám sát tại từng vị trí móng để đảm bảo tiến độ, yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động."Vấn đề an toàn lao động luôn được các nhà thầu, lực lượng hỗ trợ đặt lên hàng đầu. Do vậy chúng tôi tăng cường giám sát, kiểm tra về công tác an toàn, làm sao người lao động phải thi công tuyệt đối an toàn và công trình đảm bảo chất lượng yêu cầu", lãnh đạo EVN nhấn mạnh.
Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc liên tục 24/7, "3 ca, 4 kíp", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ"..., chỉ sau hơn 7 tháng, toàn bộ Dự án và các công trình phụ trợ đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị những bước cuối cùng cho đóng điện. Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Việc đóng điện trước tuyến đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa vào ngày 30/6/2024 cùng với khối lượng công việc khổng lồ đã cơ bản hoàn thành đến thời điểm này được đánh giá là một kỳ tích của ngành điện. Bởi lẽ chưa có dự án/công trình đường dây 500kV nào có thể triển khai thần tốc như vậy.
Với những dự án 500kV có quy mô tương tự, thường phải mất từ 3-4 năm mới có thể hoàn thành, nhưng chỉ trong 7-8 tháng, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 đã chạm đích để đóng điện với tiến độ thần tốc, tiết kiệm cả thời gian, công sức và tiền bạc. Lịch sử xây lắp đường dây 500kV của ngành điện đã sang trang mới nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các địa phương có đường dây đi qua.
Trong 7 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 5 cuộc họp và 3 lần trực tiếp thị sát, đôn đốc các đơn vị trên công trường xây dựng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng... và các địa phương liên quan đã vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng triển khai các thủ tục, góp phần thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án.Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương trong giải phóng mặt bằng thì chính sự quyết tâm của tập thể ngành điện cũng tạo nên sự thần tốc của dự án này.
Ông Võ Hoài Nam, Thành viên HĐTV EVNNPT cho biết: Trong quá trình triển khai, do phải thi công dựng cột đồng thời trong thời gian ngắn nên cần có khoảng 15.000 cán bộ công nhân kỹ thuật lắp dựng cột có kinh nghiệm. Các nhà thầu xây lắp chỉ đáp ứng khoảng 7.000 người, còn lại EVN phải huy động gần 7.000 kỹ sư, công nhân từ 5 Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn, 4 Công ty Truyền tải điện thuộc EVNNPT.
Cùng với đó, EVN cũng đã huy động nhân lực từ các Tập đoàn: Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Dầu khí Việt Nam (PVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tham gia thi công/hỗ trợ dựng cột và kéo dây. Mặt khác, EVN/EVNNPT cũng yêu cầu tất cả các nhà thầu đang thi công dựng cột, kéo dây trên các công trình khác của Tập đoàn tập trung nhân lực, máy móc về thi công cho các Dự án mạch 3.Vào giai đoạn nước rút, để đẩy nhanh tiến độ trên công trường, lực lượng quân đội cũng đã vào cuộc, hỗ trợ đơn vị thi công trong việc kéo dây, vận chuyển thiết bị...
Như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tính từ ngày 19 - 22/8, có khoảng 500 lượt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841 và lực lượng dân quân huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ các đơn vị thi công trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đã cùng với EVNNPT vận chuyển vật tư, phương tiện, lắp dựng cột thép, tham gia kéo dây, hoàn nguyên môi trường… tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm quốc gia, tạo nên hình ảnh có giá trị đẹp trong quần chúng nhân dân và các đơn vị tham gia Dự án.
Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án Đường dây 500kV mạch 3, ngay từ ngày đầu khởi công và trong suốt quá trình triển khai Dự án, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, tháo gỡ mọi khó khăn, huy động nguồn lực lớn cho Dự án. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc quyết liệt và được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với Dự án.
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thi công công trình đường dây 500kV mạch 3 trên địa bàn 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EVN, cùng các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện việc triển khai Dự án, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm Quốc gia trong thời gian tới nhằm tạo cảm hứng, truyền động lực cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, tạo khí thế, tạo đà cho phát triển hạ tầng của đất nước, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Cụ thể, Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án; tổ chức nghiệm thu công trình. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ các đơn vị thi công Dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương chuyển mục đích rừng theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc hoàn nguyên, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi Dự án đi qua.Các địa phương tiếp tục huy động nhân lực tham gia các phần việc trong phạm vi Dự án; tổ chức hoàn nguyên, bảo vệ môi trường, giao thông; chăm lo đời sống, công ăn việc làm cho người dân đã nhường đất cho Dự án, đảm bảo không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, người dân có nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Công an các địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các công trường thi công và trong quá trình hoàn nguyên, vận hành Dự án sau này.Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, với việc triển khai Dự án này, hình ảnh của EVN và những người thợ điện đã có những thay đổi theo hướng tích cực đối với người dân.
Nhấn mạnh "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng chỉ rõ 6 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình tổ chức triển khai Dự án.Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, quyết liệt, khoa học đi cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, chia sẻ chân thành, kịp thời.
Thứ hai, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo đếm được để từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Thứ ba, phải phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ngành liên quan đến mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng".
Thứ tư, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia thi công các công trình, dự án.
Thứ năm, chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xem xét huy động lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia, các nhà thầu chính tạo điều kiện, hợp tác để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương lớn mạnh, có thêm kinh nghiệm với tinh thần "cùng làm, cùng hưởng và cùng thắng và cùng phát triển". Đồng thời tăng cường hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm khoa học, hiệu quả công việc.
Thứ sáu, xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước.
Tại Nghị quyết 122/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 nêu rõ: Lấy Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh… và 33 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn cả nước.
Có thể khẳng định việc hoàn thành toàn bộ Dự án Đường dây 500kV mạch 3 là một kỳ tích của thời kỳ đổi mới, tạo dấu ấn đổi mới từ tinh thần của ngành điện Việt Nam. Kết quả đó là minh chứng rõ nét cho bản lĩnh, quyết tâm và sự đoàn kết đồng lòng của người Việt Nam. Thành quả này cũng sẽ để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các công trình trọng điểm của đất nước.
Đây cũng là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)./.