Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính diễn ra tại Khách sạn Shangri-La ngày 6/8, nhân chuyến thăm và làm việc tại Singapore của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc, đại diện các tập đoàn đầu tư, doanh nghiệp, đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam và Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng như các cơ hội hợp tác đầu tư tại thị trường nhiều tiềm năng này. Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp trả lời thẳng thắn, rõ ràng các câu hỏi của các nhà đầu tư có mặt tại hội trường về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Afred Chia C K- Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài chính hàng đầu của Singapore, SingCapital, cho biết: “Tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia rất triển vọng với nhiều hứa hẹn, mà thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu để đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, tôi nghĩ rằng thách thức mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt là họ không thực sự biết cách, đồng thời, thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều cơ hội nếu Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ các bên liên quan khác nhau, từ các công ty chứng khoán đến các quỹ quản lý tài sản, và hợp tác không chỉ với Singapore mà còn với khu vực ASEAN để thúc đẩy tốt hơn luồng thông tin để các nhà đầu tư nước ngoài có thể biết chính xác những rủi ro và cơ hội khi đầu tư vào Việt Nam”.
Là một doanh nghiệp đầu tư tài sản, đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian dài, Công ty Seatown Holdings hiện có khoảng 600 triệu USD vốn đầu tư tại Việt Nam. YEO Wee Yap - Giám đốc quản lý đầu tư tư nhân của Công ty Seatown Holdings, cho biết: “Chúng tôi thấy Việt Nam là nơi rất hấp dẫn để tìm kiếm đầu tư, xét đến nền tảng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, kim tự tháp dân số vàng mạnh mẽ, lợi ích lớn của FDI và hành động mạnh mẽ của chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các chính sách. Vấn đề chúng tôi mong muốn về cơ bản là cố gắng đẩy nhanh một số quy trình phê duyệt của chính phủ, đặc biệt là quy trình phê duyệt đất đai, giấy phép bán hàng…”.
Mục tiêu của Việt Nam là thu hút các dòng vốn ở trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, các giải pháp để thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam là một trong những trọng tâm của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những giải pháp nhằm thu hút hơn nữa dòng vốn nước ngoài. Ông Vũ Quang Đông- Phó Giám đốc phụ trách điều hành Khối vốn và thị trường của Vietcombank- chia sẻ việc nâng hạng là điều tất yếu, phục vụ lợi ích của cả nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Việc nâng hạng không chỉ tác động đến thị trường vốn và chứng khoán mà còn có tác động đến vị thế của Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.
Khẳng định chính sách tạo thuận lợi và sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương- Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết sẽ tiếp tục lưu ý những vấn đề sau.
Thứ nhất, sẽ bỏ các quy định liên quan tới giao dịch ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường một cách linh hoạt hơn, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thiểu rủi ro khi chuyển đổi ngoại tệ sang đồng Việt Nam.
Thứ hai, công bố thông tin bằng tiếng Anh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng khi tìm hiểu về các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam.
Thứ ba, thường xuyên cập nhật thông tin về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận và biết được tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận.
Bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường, nâng cao chiến lược dịch vụ đối với các tổ chức trung gian, cũng như tăng cường thêm hàng hóa, sản phẩm mới để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và phòng ngừa rủi ro khi đầu tư trên thị trường chứng khoán./.
Đỗ Vân-Tất Đạt-Lê Dương