Nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Nam Định đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tác động trực tiếp, toàn diện tới khu vực nông thôn.
Con đường liên xã thuộc xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, được hình thành nhờ sự tự nguyện hiến đất của 70 hộ dân. 
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được thay đổi rõ rệt. Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và Chương trình OCOP.

* Quyết liệt và đồng bộ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác trực tiếp làm việc với các huyện, thành phố để có giải pháp hỗ trợ, giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và coi đây là một trong những tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng.

Nhà thờ Phú Thứ, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, hiến đất làm đường. 
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, Nam Định xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng, phải đi trước một bước để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng. Các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành rà soát, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định, đảm bảo kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh đã bổ sung quy hoạch nhiều tuyến đường giao thông quan trọng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, cảng biển trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng. Hạ tầng giao thông tiếp tục được cải tạo, nâng cấp đảm bảo tính đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường trong xóm, trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến huyện, đường tỉnh, quốc lộ.

Cùng với đó, tỉnh Nam Định luôn chú trọng đầu tư hạ tầng thủy lợi, lưới điện nông thôn; hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn... Đến nay, toàn tỉnh có 675 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 92,7%; 615 trường đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, chiếm 84,5%. Các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn/xóm theo tiêu chí. Chất lượng dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục được nâng cao; công nghệ thông tin được các địa phương ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý điều hành. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố và 204/204 xã, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc. Các trạm y tế cấp xã thường xuyên được cải tạo, nâng cấp và bổ sung các thiết bị, dụng cụ y tế; hiện toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao…

Trong 3 năm (từ tháng 6/2021 đến 30/6/2024), tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định là 30.736 tỷ đồng. Cùng với đó, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động 175.730 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm...

* Nhân dân là chủ thể hưởng thụ

Máy gặt lúa trên cánh đồng xã Nam Toàn, huyện Nam Trực. 
Ảnh: Công Luật-TTXVN

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững, các địa phương tích cực triển khai giải pháp phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, qua đó góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 52 triệu đồng/người năm 2021 lên 70 triệu đồng/người năm 2023; đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 191,33 triệu đồng.

Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được tỉnh Nam Định quan tâm, chỉ đạo, thực hiện theo hướng tổ chức lại các hợp tác xã hiện có và khuyến khích hộ thành viên thành lập mới các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có 312 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 64 mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân. Công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, điển hình như các Công ty Trách nhiệm hữu hạn: Minh Dương, Toản Xuân, Một thành viên chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành… góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản được đặc biệt quan tâm, với 44 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm được tư vấn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 82 sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, thương hiệu sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn; các sản phẩm OCOP được quảng bá trên nền tảng xã hội Tiktok. Một số sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản… qua đó góp phần tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Nam Định đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tác động trực tiếp, toàn diện tới khu vực nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng được nâng cấp. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế phát triển; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo.

Đến nay, toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt xa so với mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU; trong đó có 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bằng 21,3% so với tổng số xã và 6 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Ngoài ra, tỉnh có 16 xã đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, tiêu chí đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Vietnam Airlines tiếp tục vươn tầm quốc tế

Ngày 7/10, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức Chương trình Xúc tiến du lịch Việt Nam – châu Âu tại thành phố Munich của Đức. Sự kiện diễn ra đúng thời điểm Vietnam Airlines kỷ niệm 20 năm đường bay Việt Nam – Đức và chào mừng lộ trình bay mới Munich – Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh.

Người kể chuyện Hà Nội qua ảnh

70 năm qua, với tình yêu Hà Nội, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo đã ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn khó phai nhưng lại mang hơi thở cuộc sống của vùng đất địa linh nhân kiệt. Mỗi bức ảnh như một "chứng nhân" kể câu chuyện hành trình vươn mình bứt phá của Hà Nội. Và những tấm ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải cũng không ngoại lệ.

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam gia tăng

Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/10/2024 cho thấy tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh, dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi (bão số 3) và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, Chỉ số BCI quý III/2024 tăng lên 52 so với cùng kỳ năm 2023 là 45,1 và đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh. Kết quả khảo sát còn cho thấy, có 47,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ có sự cải thiện trong quý tới.

Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, Quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Nền kinh tế tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.

Nhiều sự kiện đặc sắc tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 4 - 6/10/2024 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội là hoạt động có ý nghĩa tốt đẹp nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).