Người truyền lửa cho tình yêu tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc)
Nhân một năm triển khai đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Liên Hương, Giảng viên bộ môn Tiếng Việt tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc), tác giả và đồng tác giả của hơn 17 đầu sách tiếng Việt và văn hóa Việt Nam xuất bản tại Đài Loan và Mỹ, dành cho các lứa tuổi từ bậc tiểu học đến nghiên cứu sinh, cô cũng là người biên tập và xuất bản 2 bộ bài Poker có thể vừa chơi vừa học tiếng Việt và cuốn 300 câu thành ngữ Trung-Việt…

Cô Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ năm 2008, khi cô bắt đầu giảng dạy tại Đại học Đài Loan, có rất ít người biết về Việt Nam. Người Việt Nam tại Đài Loan vào thời điểm đó đa phần là người đi xuất khẩu lao động và các chị em theo diện kết hôn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài hai lực lượng chính trên, số lượng sinh viên Việt Nam đến du học tại đây đứng đầu trong số sinh viên các nước tại hòn đảo này.

Cô Liên Hương nhớ lại cách đây 16 năm, khi Đại học Đài Loan mở lớp tiếng Việt, mỗi lớp chỉ có 3-4 học sinh, việc tìm tài liệu giảng dạy cho sinh viên gặp nhiều khó khăn. Sau 3-4 năm giảng dạy, cô Liên Hương suy nghĩ phải tự biên soạn tài liệu vì việc dùng tài liệu trong nước không phù hợp cho các đối tượng sinh viên. Ở thời điểm đó, dù chưa biết tương lai như thế nào nhưng cô vẫn nung nấu ý định viết giáo trình tiếng Việt.

Do từng có nhiều năm làm nghiên cứu tại Viện Trung Quốc thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nên cô Liên Hương rất thích viết sách và đứng từ góc độ không phải dân chuyên ngôn ngữ, cô lại có thể tìm ra cách viết để học sinh dễ hiểu hơn. Trong quá trình viết sách, cô cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các thầy cô ở Khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mỗi lần có dịp về Việt Nam cô cũng đến thư viện ở Viện Ngôn ngữ học để tìm hiểu thêm cách viết, cách tiếp cận sao cho sinh viên tại Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, người Hoa ở khắp nơi trên thế giới và các bạn sinh viên đến Đài Loan học trao đổi ngôn ngữ đều có thể tiếp cận.

Khoảng 8 năm sau đó, cuốn giáo trình tiếng Việt đầu tiên của cô Liên Hương đã được xuất bản. Thị trường sách tiếng Việt ở Đài Loan khi đó có lẽ quá hiếm nên sau khi phát hành được một tuần, cuốn giáo trình của cô đã được xếp hạng nhất trên bảng sách ngoại ngữ bán chạy cho người Đài Loan. Điều khiến cô bất ngờ là thời điểm đó ngoại ngữ chính ở Đài Loan vẫn là tiếng Anh, tiếng Nhật, nhưng sách tiếng Việt lại được đón nhận như vậy và đó chính là một trong những động lực để cô có thể liên tục xuất bản các cuốn tiếp theo. Có người bạn tại Đài Loan đã gọi đùa cô là “thần sách” vì sự đam mê yêu thích viết của cô. Sách của cô (cả với tư cách là đồng tác giả) hướng đến nhiều đối tượng từ những học sinh tiểu học đến nghiên cứu sinh, đến những người muốn tìm hiểu kho tàng ngụ ngôn, tác phẩm văn học hay dạng 100 câu hỏi về Việt Nam, đến cả thành ngữ Trung-Việt...

Cô Liên Hương chia sẻ càng nhiều người Đài Loan chưa hiểu rõ về Việt Nam, cô càng muốn làm cho họ hiểu hơn, không những về văn hóa, phong tục mà còn về một Việt Nam hiện đại. Cô có cảm giác viết sách như là sứ mệnh của mình, từ nhỏ cô đã học được sự chăm chỉ từ bố mẹ cũng là những người làm công tác nghiên cứu. Mỗi lần đến công đoạn sửa bông lần cuối, cô Liên Hương đều viết vào cuốn sổ rằng thôi viết nốt lần này nhưng lần nào cô cũng thất hứa với bản thân vì khi thấy một mảng nào đó mà người Đài Loan chưa hiểu về Việt Nam, mà mình vẫn chưa đề cập đến, cô lại thôi thúc muốn được viết. Cô Liên Hương chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình viết sách đó là phải khắc phục yếu tố sức khỏe, và phải hy sinh một phần thời gian cho gia đình, cho bản thân.

Cô Liên Hương cho biết trong 16 năm giảng dạy tiếng Việt, cô không những truyền đạt ngôn ngữ cho người Đài Loan, sinh viên Đài Loan mà còn cả sinh viên của các nước đến trao đổi tại Đài Loan mà phần đông là thế hệ F2.

Năm 2012, Đài Loan thực hiện chương trình phát triển tiếng Việt, cụ thể là kế hoạch “Ngọn Đuốc” tức là đưa tiếng Việt và một số ngôn ngữ Đông Nam Á vào giảng dạy ở các trường nơi có đông di dân, ví dụ như thành phố Tân Bắc và một số huyện thị. Sau khi đưa vào giảng dạy thí điểm ở những nơi này, chính quyền Đài Loan cũng tăng cường thêm giáo trình và kêu gọi cộng đồng người Việt tham gia đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng Việt. Năm 2019, cơ quan giáo dục Đài Loan chính thức đưa tiếng Việt thành tiếng mẹ đẻ ở cấp 1 cùng 7 ngoại ngữ khác, theo đó tính cả ở cấp 2 và cấp 3, theo con số thống kê chưa đầy đủ, số lượng giáo viên phải đến gần 2.000 người và cô Liên Hương cũng tham gia công tác bồi dưỡng cho giáo viên ở các huyện, thị theo chương trình 72 giờ. Nhiều trong số giáo viên đó là các chị em kết hôn với người Đài Loan. Khi chính quyền Đài Loan công nhận tiếng Việt cũng như 6 loại ngôn ngữ Đông Nam Á khác thì phong trào giảng dạy tiếng Việt trong các trường sôi động rõ rệt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 40 trường đại học ở Đài Loan giảng dạy môn tiếng Việt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư hay các ngân hàng mở tại Việt Nam. Có 15 đến 16 nước như Na Uy, Phần Lan, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore... có sinh viên trao đổi tại Đại học Đài Loan, trong đó có một bộ phận là sinh viên thế hệ F2 đến Đài Loan học tiếng Việt.

Ngoài ra, khi ngày càng nhiều thương nhân Đài Loan vào Việt Nam hơn, nhu cầu học tiếng Việt cũng tăng lên.

Do đối tượng học tiếng Việt càng ngày càng nhiều, trong khi giáo trình tiếng Việt chưa phong phú như các ngoại ngữ khác dù các thầy cô ở trong nước rất nỗ lực. Chính vì lý do đó, cô Liên Hương càng muốn viết sách. Cô muốn hướng đến sinh viên con em thế hệ F2, chiếm từ 30% đến 50% sinh viên các lớp tiếng Việt ở các trường đại học mà cô giảng dạy.

Ngoài công việc chính là giảng dạy, cô Liên Hương còn làm Biên tập viên Ban thời sự Việt Ngữ đài PTS Đài Loan, tham gia Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài. Có nhiều bạn học sinh, sinh viên từ chỗ thờ ơ với tiếng mẹ đẻ, sau cuộc trò chuyện với cô, các bạn có thêm động lực, niềm tin muốn học ngôn ngữ của mẹ.

Phản hồi của các bạn học sinh, sinh viên cũng đã tiếp thêm động lực cho cô yêu nghề hơn. Một ví dụ nho nhỏ nhưng khiến cô Liên Hương rất hạnh phúc khi một bạn sinh viên thế hệ F2 sau vài tháng học tiếng Việt đã thay từ “đi” bằng từ “về” Việt Nam thăm ngoại hay du lịch. Dù chỉ là một điều nho nhỏ nhưng không hiểu sao cô cảm thấy rưng rưng, xúc động, khi nghĩ đến sứ mệnh của mình. Có bạn từ chỗ không biết gì về tiếng Việt đến sau 2 năm học đã viết được bức thư cho mẹ, người mẹ đọc bức thư đó đã khóc và cảm động. Hay như khi cô được nghe một bạn sinh viên người Mỹ say sưa hát 1 ca khúc dân ca của Việt Nam, khiến cô thấy rất vui vì khi bạn đến lớp buổi đầu chỉ nói được các từ “xin chào”, “cảm ơn”... Những điều nho nhỏ như thế thôi nhưng đã tiếp thêm động lực cho cô.

Cô Liên Hương chia sẻ chỉ có mong ước giản dị tiếp tục viết, song song với làm công việc truyền bá tiếng Việt, tập trung viết giáo trình sách trung cấp tiếng Việt 2 mà cô đang phối hợp với một giáo viên khác.

Cô mong rằng tiếp tục có nhiều cơ hội được gặp gỡ, giảng dạy cho nhiều sinh viên thế hệ F2 ở Đài Loan, cũng như các sinh viên khoa Luật, khoa Y, khoa Công tác xã hội... - những người tương lai sẽ tiếp xúc nhiều với cộng đồng di dân người Việt ở Đài Loan và những người Đài Loan trong tương lai sẽ sang Việt Nam làm việc. Ngoài ra, cô cũng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm này cho các giáo viên không chỉ ở Đài Loan mà còn ở các nơi trên thế giới. Đó là lý do cô tham gia Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài để có thể chia sẻ được thêm kinh nghiệm của bản thân.

Cộng đồng người Việt Nam ở Đài Loan càng ngày càng đông thì ngày càng nhiều người Đài Loan muốn tìm hiểu, đi du lịch Việt Nam, muốn sang Việt Nam đầu tư, muốn giao lưu với Việt Nam trên mọi phương diện, vì vậy càng ngày càng có nhiều người học tiếng Việt hơn.

Hiện nay có 272.000 người lao động, khoảng 120.000 phụ nữ kết hôn với người Đài Loan và hơn 27.000 lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan./.

Mạc Luyện

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao tình yêu tiếng Việt và xây dựng tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ người Việt tại Hungary

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, nhân dịp khai giảng năm học mới và hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary vừa tham dự Lễ Phát động cuộc thi sáng tác "Việt Nam trong tôi!" và Khai giảng năm học 2024-2025 do Trung tâm tiếng Việt Budapest tổ chức.

Văn hóa soi đường: Lễ Tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong hai ngày cuối tuần qua, tại thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Hội Người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn và Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào tổ chức Lễ Tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng để từng bước đưa Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ở Lào.

Văn hóa soi đường: Tình yêu với ngôn ngữ Việt tại Malaysia

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, năm 2024 đánh dấu bước tiến nổi bật trong việc lan tỏa ngôn ngữ Việt tại Malaysia. Nếu như số học sinh của lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán đang tăng lên cả ở hình thức học trực tiếp và trực tuyến thì tại lớp học tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học (FLL), Đại học Malaya (UM) luôn được duy trì với con số từ 100-140 sinh viên. Trong khi cô trò của lớp học tại Đại sứ quán đang thực hành tiếng thông qua các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho "Lễ hội trăng rằm" thì nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tại UM, tạo không gian tìm hiểu cho các bạn sinh viên thực hành tiếng và tìm hiểu văn hóa Việt. Có được bước tiến lớn trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ Việt như vậy là do tình yêu của cả cô và trò và sự đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam.

Văn hóa soi đường: Áo dài - Cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ

Trong không gian trang trọng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, những tà áo dài thướt tha đã cùng nhau hòa nhịp, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc. Sự kiện ra mắt Câu lạc bộ (CLB) di sản áo dài Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã thực sự đánh thức niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Văn hóa soi đường: Lan tỏa tình yêu tiếng Việt ở đất nước Triệu Voi

Hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn và Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào tổ chức Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024. Đây là chuỗi sự kiện quan trọng để từng bước đưa Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ở Lào.

Văn hóa soi đường: Lan tỏa hành trình ngôn ngữ Việt tại Brunei

Mặc dù mới được đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Brunei (UBD) từ năm 2022, song cho đến nay lớp học tiếng Việt, do Tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa phụ trách và giảng dạy, đã thu hút được gần 100 sinh viên nước ngoài, chủ yếu là người Brunei theo học.

Văn hóa soi đường: Sinh viên Italy tự hào làm sứ giả quảng bá văn hóa Việt

Tiếng Việt là nhịp cầu thân thương, nối Việt Nam với các nước trên thế giới. Cùng với sự lớn mạnh của quan hệ Việt Nam-Italy, các bạn trẻ Italy ngày càng quan tâm đến Việt Nam và tiếng Việt, với Bộ môn tiếng Việt đã được thành lập tại trường Đại học Ca’ Foscari thành phố Venice năm 2019 và sắp được thành lập tại trường Đại học Đông Phương Naples.

“Góc Việt Nam” - Điểm hẹn của kiều bào và bạn bè quốc tế tại thành phố Odessa (Ukraine)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, lễ khánh thành “Góc Việt Nam” tại thành phố Odessa của Ukraine diễn ra với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa Nguyễn Như Mạnh cùng hơn 300 bà con và các cháu thiếu nhi đang sinh sống tại thành phố cảng này. Về phía Ukraine có Thị thưởng thành phố Odessa, ông Gennady Trukhanov, đại diện các cơ quan ban ngành thành phố, 26 đại diện cơ quan ngoại giao trên địa bàn thành phố cùng đông đảo người dân địa phương.