Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu khai mạc. |
Ảnh: EFR |
Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ước tính, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Bà Lan cũng chỉ rõ, các nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân, hỗ trợ quốc tế và các nguồn vốn cộng đồng khác.
Đặc biệt, vấn đề huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022). Trong đó, Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục tiêu về cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện các quan điểm, mục tiêu này, Chiến lược tài chính đến năm 2030 cũng đề ra những giải pháp hướng đến huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động kinh tế xanh và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm xanh...
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, tài chính xanh có thể được hiểu là các chính sách, công cụ và giải pháp về tài chính – tiền tệ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, tăng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, bền vững.
Ở Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.
Theo ông Lực, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở vì: xu hướng tất yếu; phành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh dần được hoàn thiện; định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh; cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp… và cam kết, nguồn vốn quốc tế cho tăng trưởng xanh đã sẵn sàng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, chính sách tài chính xanh đã được ban hành tương đối đầy đủ, bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Về các chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ, chính sách thu và chi ngân sách cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường, đồng thời khung pháp lý cho thị trường chứng khoán xanh và các chính sách tài chính xanh khác như bảo hiểm xanh và thị trường tín chỉ carbon đang dần hoàn thiện.
Dưới góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển các công cụ tài chính xanh và bền vững.
Những công cụ này sẽ là trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, hỗ trợ huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.
Để thúc đẩy tốc độ chảy của dòng vốn xanh, theo ông Lực, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm chính sách như: gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành danh mục “phân loại xanh”; trong đó, nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh; đồng thời, có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp…
Cùng với đó là thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa (bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà trường…); tăng cường giáo dục tài chính; đồng thời, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu.../.