HTX Gốm chăm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước) được lựa chọn thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2021 - 2025. |
Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Để xây dựng, hoàn thiện các mô hình hợp tác xã tham gia Đề án trở thành hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021 - 2025, Ninh Thuận đã chọn 4 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để thí điểm, làm cơ sở nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho hay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án. Cụ thể, UBND tỉnh chọn 4 đơn vị, gồm: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, Hợp tác xã Gốm chăm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước), Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp An Xuân và Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận (huyện Ninh Hải) tham gia Đề án. Đây là các hợp tác xã có nhiều thành viên tham gia; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương có liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, tham gia chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất và có đông thành viên là nữ.
Ông Trịnh Minh Hoàng thông tin, trên cơ sở lựa chọn tham gia thí điểm, hướng đến nhân rộng, các sở, ngành liên quan đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ quan, đơn vị giúp hợp tác xã đào tạo, nâng cao năng lực quản trị tiên tiến, kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản, liên kết sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật…
Sản phẩm gốm của HTX Gốm chăm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước) từng đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. |
Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Địa phương tạo điều kiện giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, sản phẩm OCOP cũng như các tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; nghiên cứu phát triển sản phẩm; tư vấn thiết kế bao bì; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm của hợp tác xã.
Giai đoạn 2024 - 2025, bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và từ các chương trình, dự án…, Ninh Thuận tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các hợp tác xã tham gia thí điểm. Qua đó, các hợp tác xã có thêm điều kiện phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để đạt tiêu chí hợp tác xã kiểu mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, việc hoàn thiện mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả là yếu tố nền tảng quan trọng nhằm tạo lòng tin, sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong kinh tế thị trường. Đây là cơ sở để tỉnh nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững.
Du khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm măng tây xanh của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (huyện Ninh Phước) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã được lựa chọn tham gia Đề án bước đầu đạt kết quả nhất định. Cùng với sự hỗ trợ vốn thuộc các chương trình, dự án, đề án…, 4 hợp tác xã trên đều được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá các sản phẩm tiềm năng đến với người tiêu dùng cả nước. Tỉnh có 3/4 hợp tác xã (Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân và Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận) tham gia Chương trình OCOP với 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 6 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Hợp tác xã Gốm chăm Bàu Trúc và Nho Evergreen Ninh Thuận đã giành giải thưởng về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp trong tỉnh và khu vực, quốc gia.
Các hợp tác xã đều hoạt động đúng quy định của Luật Hợp tác xã, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên. Kết quả đánh giá phân loại hợp tác xã năm 2022 cho thấy, tỉnh Ninh Thuận có 3/4 hợp tác xã xếp loại tốt và 1/4 hợp tác xã xếp loại khá. Ninh Thuận hiện có 126 hợp tác xã với vốn điều lệ trên 252 tỷ đồng.../.