Các con đường trên địa bàn xã Bạch Đằng đều được trải nhựa, có hệ thống cây xanh, cây hoa hai bên đường. |
Ảnh: TTXVN phát |
Xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang dẫn đầu công cuộc xây dựng mô hình làng thông minh, kết hợp giữa nông thôn mới và đô thị xanh bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nỗ lực cải thiện chất lượng sống của người dân, nơi đây đã trở thành điểm sáng trong phát triển nông thôn thông minh ở nước ta.
*Bước tiến lớn
Xã Bạch Đằng đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao từ năm 2019 với mức thu nhập bình quân là 60 triệu đồng/người/năm. Chỉ sau 3 năm áp dụng thí điểm mô hình làng thông minh, đến năm 2023, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên 88,62 triệu đồng/người/năm.
Một yếu tố quan trọng trong xây dựng làng thông minh ở đây là hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện cầu Bạch Đằng 2 đang được xây dựng, nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa xã với các đô thị lân cận như: Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Quá trình đền bù và giải tỏa mặt bằng cho dự án cầu này đã hoàn thành.
Hệ thống đèn led năng lượng mặt trời được trang bị trên nhiều tuyến đường và cầu Bạch Đằng. |
Ảnh: Huyền Trang - TTXVN |
Hệ thống giao thông được nâng cấp với việc lắp đặt đèn LED chiếu sáng và năng lượng mặt trời trên 3/37 tuyến đường. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 80% tuyến đường trong xã sẽ được trang bị hệ thống đèn LED. Bên cạnh đó, xã đã lắp đặt 52 mắt camera tại 38 điểm và cung cấp wifi công cộng tại 4 địa điểm, tăng cường an ninh, cải thiện khả năng kết nối cho người dân.
Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: Địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông và an ninh, đồng thời bảo vệ môi trường qua việc tiết kiệm năng lượng với đèn LED, camera an ninh, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, hiện đại.
Xã Bạch Đằng đã phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn với sự tham gia của 52,93% hộ gia đình. Đồng thời, Câu lạc bộ Chế phẩm vi sinh bản địa (IMO) với 20 thành viên đã được thành lập, giúp người dân xử lý rác thải hữu cơ và sản xuất phân bón vi sinh, cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu ô nhiễm.
Hơn 77,63% hộ gia đình tham gia mô hình “Xanh, Sạch, Đẹp, Sáng”, với các tiêu chí về môi trường và cảnh quan nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác thải tại xã đạt 93,78%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 100%, trong đó 98,4% sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung.
Bà Trần Thị Lan, người dân xã Bạch Đằng, chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình phân loại rác và sử dụng chế phẩm IMO, môi trường sống của chúng tôi được cải thiện đáng kể. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí mua phân bón".
Bạch Đằng cũng là một địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng đã áp dụng công nghệ blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc mTrace, giúp người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm bưởi. Hơn 50.000 tem truy xuất đã được trao tặng cho các hộ dân trồng bưởi, giúp nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, dự án lúa hữu cơ tại xã đã thu hút 21 hộ dân tham gia với diện tích canh tác 21,9 ha. Đặc biệt, cây bưởi Bạch Đằng đã đạt chứng nhận VietGAP và có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Võ Ngọc Tài, chủ vườn bưởi tại xã Bạch Đằng, chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện tại, sản phẩm bưởi Bạch Đằng không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra việc quản lý làng xã, hành chính công qua các phần mềm. |
Ảnh: TTXVN phát |
*Hướng đến phát triển bền vững nông thôn
Song song với các lĩnh vực kinh tế xã hội, Bạch Đằng cũng chú trọng phát triển văn hóa. Các chương trình văn nghệ, hội thi áo dài duyên dáng và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa đặc trưng. Xã còn triển khai Dự án bảo tồn Đình Tân Trạch, một di tích lịch sử quan trọng, nhằm kết hợp giữa việc phát huy giá trị truyền thống và quá trình hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, việc quảng bá du lịch sinh thái tại xã Bạch Đằng cũng đạt được nhiều thành công. Hơn 2.000 ấn phẩm giới thiệu song ngữ Việt - Anh đã được phát hành, quảng bá 5 điểm du lịch tiêu biểu và kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách. Du lịch tại xã đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.
Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, mục tiêu của xã đến năm 2025 là hoàn thiện chỉ tiêu về hạ tầng, nâng cao thu nhập của người dân và trang bị hệ thống đèn LED cho 80% tuyến đường giao thông.
Đảm bảo an ninh trật tự bằng việc giám sát các camera trên các tuyến đường. |
Ảnh: Huyền Trang -TTXVN |
Xã đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống trung tâm điều hành thông minh cấp xã, kết nối dữ liệu liên thông với các địa phương khác và cơ quan cấp trên. Toàn bộ hồ sơ dịch vụ công sẽ được giải quyết trực tuyến, với tỷ lệ hài lòng đạt 100%. 100% số hộ dân trong xã sẽ được kết nối internet và có ít nhất một thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính để tiếp cận các dịch vụ công nghệ số.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, phát triển nông nghiệp thông minh, giám sát côn trùng và quan trắc môi trường. Các sản phẩm OCOP và đặc sản sẽ được quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng là một ưu tiên, với nhiều điểm du lịch được trang trí, thiết kế cảnh quan bắt mắt, cung cấp dịch vụ ăn uống, hoạt động trải nghiệm và điểm bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương.
Công tác quản lý, hành chính công được thực hiện qua các phần mềm. |
Ảnh: TTXVN phát |
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: Xã Bạch Đằng đã phát triển kinh tế rất tốt, mang lại nhiều cơ hội cho nông dân, tuy nhiên, lĩnh vực y tế và giáo dục vẫn cần được tập trung cải thiện trong thời gian tới. Sau thành công của mô hình thí điểm tại Bạch Đằng, tỉnh sẽ xem xét nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác./.