Nông dân trẻ đam mê sáng tạo máy nông nghiệp
Là người đầu tiên của xã được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, anh Hảo mang lại niềm tự hào cho xã Krông Búk và góp phần thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn ngày càng phát triển.
Anh Trần Văn Hảo, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk luôn khát khao hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. 
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, anh Trần Văn Hảo (sinh năm 1990, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) hiểu được sự nhọc nhằn, vất vả của người dân và vai trò của máy móc, thiết bị đối với sản xuất nông nghiệp. Từ sự đam mê, anh Hảo đã tìm tòi, sáng chế nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh là gương nông dân tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.

* Đam mê sáng tạo

Là người con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em, từ nhỏ, anh Hảo đã thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của cha mẹ khi nuôi dạy các con ăn học. Suốt 12 năm học phổ thông, để có đồ chơi, cậu bé Hảo đã mày mò thiết kế, sáng chế máy bay mô hình, xe ô tô… Từ niềm đam mê này, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ sự đam mê, Trần Văn Hảo, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk (trái) đã tìm tòi, sáng chế máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. 
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Sau khi ra trường, anh Hảo làm việc ở thành phố mang tên Bác được 3 năm với mức lương ổn định. Nhưng những lần về thăm nhà, anh Hảo đầy tâm tư, trằn trọc khi thấy cha mẹ và người nông dân vô cùng cực nhọc, vất vả trên những cánh đồng, ruộng nương. Công sức bỏ ra lớn mà hiệu quả không cao, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Những giọt mồ hôi của cha mẹ đã khiến anh quyết tâm sáng chế máy móc, thiết bị để hỗ trợ.

Nghĩ là làm, năm 2015, anh Trần Văn Hảo về quê nhà khởi nghiệp, thuê đất để mở xưởng cơ khí nhỏ, mày mò "sáng chế" máy gieo hạt đa năng. Trong năm đầu khởi nghiệp, anh trải qua không ít khó khăn, liên tục phải chỉnh sửa, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm. Sau nhiều nỗ lực, anh đã chế tạo thành công máy gieo hạt đa năng đầu tiên.

“Mình có kiến thức nền ở trường đại học và may mắn có sự hỗ trợ, động viên của cha mẹ nên kiên trì làm, không sợ thất bại. Quan điểm của mình là đã quyết tâm thì làm đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc. Mình cũng may mắn là sống giữa vùng đất thuần nông nên máy móc có thể đem ra ruộng đồng, nương rẫy để ứng dụng, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn”, anh Hảo chia sẻ.

Sau gần 10 năm khởi nghiệp, anh Trần Văn Hảo, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã có cơ ngơi rộng 3.000 m2, sản xuất nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. 
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Đến nay, sau gần 10 năm “bỏ phố về vườn”, anh Hảo đã có cơ ngơi rộng 3.000m2 với nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp: máy gieo hạt đa năng, máy sấy nông sản, máy chế biến thực phẩm, máy thái lát thực phẩm, máy băm cỏ, máy rửa củ, máy sản xuất tinh bột nghệ… Các dòng máy có giá dao động từ 1,5 - 40 triệu đồng/máy. Xưởng cơ khí của anh Hảo đến nay sản xuất khoảng 1.500 máy/năm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Lượng khách đã tương đối ổn định, trải dài từ Bắc đến Nam.

Anh Nguyễn Văn Trọng, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc là khách hàng nhiều năm nay của anh Hảo. Trước đây, 2 ha đất trồng bắp và đậu các loại của gia đình anh Trọng thường đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Biết đến xưởng cơ khí của anh Hảo, gia đình anh Trọng đã mua máy gieo hạt đẩy tay, sau mua thêm máy gieo hạt đa năng. Trước đây, 4.000m2 đất cần khoảng 6 nhân công trồng trọt, nay dùng máy chỉ cần 3 giờ. Ngoài ra, việc gieo hạt bằng máy còn giúp rạch hàng thẳng, vun gốc đỡ cỏ, có thể kết hợp bón phân. Những lúc nông nhàn, anh Trọng còn mang máy đi tỉa thuê cho các hộ nông dân khác.

Máy gieo hạt đa năng do anh Trần Văn Hảo, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk được ứng dụng trong nông nghiệp. 
Ảnh: TTXVN phát.

Gia đình ông Phạm Đình Phùng, xã Minh Hợp, huyện Quy Hợp, tỉnh Nghệ An đã mua 3 hệ thống máy gieo hạt đa năng ở xưởng cơ khí của anh Hảo. Theo ông Phùng, máy do anh Hảo sáng chế có nhiều ưu việt, phù hợp với địa hình đồng ruộng, nương rẫy của Việt Nam, vận hành đơn giản, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, máy gieo hạt đa năng có thể trồng đến 10ha ngô sinh khối/ngày, giúp giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông thu hồi vốn nhanh.

Điều khiến khách hàng ấn tượng là sự nhiệt tình của anh Hảo, sẵn sàng hướng dẫn hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, anh Hảo còn lắng nghe, tiếp thu ý kiến khách hàng để cải thiện, hoàn thiện máy móc, giữ uy tín để giữ khách hàng dài lâu.

* Khát khao hiện đại hóa nông thôn

Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 43km, xưởng cơ khí Tân Hoàn Hảo của anh Hảo còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, mức lương 8 - 15 triệu đồng/người tùy theo tay nghề. Đa số nhân công đã làm việc lâu năm, được anh Hảo đào tạo kiến thức cơ khí, cập nhật công nghệ máy móc mới.

Xưởng cơ khí của anh Trần Văn Hảo, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương. 
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Anh Y Nghìn Niê, buôn Krăi A, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc đã làm việc tại xưởng cơ khí Tân Hoàn Hảo 4 năm nay. Theo anh Y Nghìn, vợ chồng anh có ít đất sản xuất. Do vợ không có việc làm ổn định, mức lương gần 9 triệu đồng/tháng của anh là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Anh Y Nghìn cho biết học hỏi được nhiều điều từ anh Hảo bởi anh Hảo là người giỏi và vui vẻ, tạo môi trường làm việc cởi mở. Ngoài ra, những dịp lễ, Tết, xưởng còn có thưởng thêm, giúp công nhân gắn bó với công việc lâu hơn.

Với khát khao hiện đại hóa nông thôn, anh Hảo vẫn đang miệt mài sáng chế máy móc nông nghiệp mới. Mới đây, anh Hảo đã "sáng chế" máy phát cỏ cho vườn sầu riêng và cà phê. Việc đưa vào sử dụng máy phát cỏ sẽ giúp băm nhuyễn cỏ để tạo lớp phân vi sinh trên bề mặt, giữ ẩm cho đất và không cần nhiều nhân công.

“Thời gian tới, mình hy vọng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình hỗ trợ của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… để nghiên cứu sản phẩm mới, mở rộng quy mô xưởng. Đồng thời, mình mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ, kết nối để quảng bá sản phẩm rộng rãi, nhất là trên các sàn thương mại điện tử”, anh Hảo nói.

Anh Trần Văn Hảo (phải, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. 
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Đến nay với “vốn liếng, tài sản” gồm hơn 10 loại máy, từ dùng tay đến động cơ, anh Hảo chia sẻ, sản phẩm anh tâm đắc nhất là máy gieo hạt. Đây là sản phẩm đã cùng anh trải qua những năm tháng khốn khó và gặt được “quả ngọt”, giúp nhiều nông hộ cải thiện kinh tế gia đình. Sản phẩm này cũng đã giành hai giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2019 và năm 2021, cùng một số giải thưởng khác của tỉnh.

Theo ông Bùi Quang Hợp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Búk, là hội viên trẻ, bận rộn sản xuất, kinh doanh song anh Trần Văn Hảo luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, xã và đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nông dân, phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, anh Hảo còn cho mua nợ, không lấy lãi với hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng máy cho Chi hội nông dân để luân phiên cho hội viên dùng canh tác. Điều đáng quý ở anh Hảo là luôn vui vẻ, khiêm tốn, thật thà, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên nông dân học hỏi.

Đồng hành với anh Hảo, thời gian qua, Hội Nông dân xã Krông Búk thường xuyên quảng bá, hỗ trợ cơ sở cơ khí Tân Hoàn Hảo trưng bày sản phẩm tại các sự kiện lớn của xã, Lễ hội Sầu riêng của huyện. Anh Hảo đã và đang tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ trên địa bàn tích cực học hỏi, nghiên cứu, lao động sản xuất. Là người đầu tiên của xã được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, anh Hảo mang lại niềm tự hào cho xã Krông Búk và góp phần thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn ngày càng phát triển./.

Tin liên quan

Những lao động mê sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng - Bài 1: Ứng dụng công nghệ số hiệu quả

Xuất phát từ yêu cầu công việc hằng ngày, cộng với niềm say mê lao động, ý chí học hỏi, những tấm gương được chọn trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 đều có phẩm chất tốt đẹp, là hạt nhân trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, từ đó đóng góp và mang lại hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội hàng tỷ đồng.

Những lao động mê sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng - Bài cuối: Ươm những giống cây trồng công nghệ cao, mang lợi cho nông dân

Suốt 12 năm qua, những sáng kiến, cải tiến của anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu, làm công việc ươm cây giống tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, không chỉ làm lợi cho đơn vị, mà còn giúp những nông dân ngoại thành tăng năng suất cây trồng.

Tin cùng chuyên mục

3 nữ doanh nhân Việt Nam vào danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á 2024"

Tạp chí Fortune của Mỹ tháng 10/2024 công bố danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024”, gồm 100 phụ nữ hàng đầu đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm và đồ uống, và dịch vụ khách sạn…, trong số đó có 3 nữ doanh nhân Việt Nam.

Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore sáng tạo, sâu sắc cùng “Đấu trường trí tuệ”

Tại trường Đại học Curtin (Singapore), Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore đã lần đầu tiên tổ chức sự kiện “V-Challenge 2024: Đấu trường trí tuệ”, thu hút đông đảo các học sinh, sinh viên Việt Nam tại Singapore tham gia. Đây là một sân chơi trí tuệ hấp dẫn và thiết thực, trang bị cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại Singapore những kỹ năng cần thiết khi học tập và sinh sống tại đây, đồng thời “ôn luyện” những kiến thức văn hóa, lịch sử địa lý…của Việt Nam để truyền đi tinh thần không quên nguồn cội.

Vì một tương lai an toàn trước thiên tai

Sáng 11/10, tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế, thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 với chủ đề “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.

Phục dựng ảnh cho những gia đình ở Làng Nủ

Làng Nủ có thể nói là địa danh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bức tranh đau thương do thảm kịch thiên tai vừa qua gây ra. Hiện việc tìm kiếm nạn nhân mất tích đã chính thức dừng lại. Những ngày qua, cả nước đã cùng chung tay hướng về Làng Nủ với những nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ đau thương, mất mát. Trong đó, một nhóm bạn trẻ đã khởi động dự án Nét ảnh vượt bão, phục dựng những bức ảnh gia đình đoàn tụ để tặng cho những người thân còn lại. Và đằng sau mỗi bức ảnh phục dựng là những câu chuyện nghẹn lòng.

Những bông hoa giữa vùng "chảo lửa" Krông Pa

Phát huy vai trò người phụ nữ thời đại mới, nhiều cán bộ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Krông Pa - địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt được mệnh danh là "chảo lửa" của vùng Tây Nguyên nhưng những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây luôn tự tin tỏa sáng trên các lĩnh vực, như những bông hoa giữa núi rừng, tỏa hương làm đẹp cho đời.