Phần lớn người dân Hà Nội tuân thủ dừng đèn đỏ khi thực hiện tăng mức xử phạt
Việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi di chuyển.


Ý thức của người tham gia giao thông tại Hà Nội từng bước được cải thiện khi Nghị định 168 có hiệu lực.
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngay sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 với mức phạt “tăng nặng” cho các hành vi vi phạm cơ bản như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên toàn địa bàn.

Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với xe mô tô, đồng thời bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe. Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.

Các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2 - 3 lần so với hiện hành. Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh, đến 36 - 50 lần. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành.

Ghi nhận sáng 2/1 trên các tuyến đường nội đô cho thấy, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi di chuyển. Phần lớn người dân đã tuân thủ quy định, đặc biệt là dừng chờ đèn đỏ đúng tín hiệu giao thông. Tại nút giao Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, các phương tiện đã tuân thủ nghiêm việc dừng đèn đỏ, chờ đèn tín hiệu và hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông mới di chuyển.

Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Đội Phó Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 cho biết, trong những ngày đầu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Đội Cảnh sát giao thông số 6 còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu rõ hơn các quy định mới, để xây dựng môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Nhiều người dân trên địa bàn thành phố bày tỏ sự đồng tình với các quy định mới. Anh Đỗ Thanh Bình, trú tại phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm giao thông là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện. Khi ý thức người lái xe cải thiện, vi phạm, tai nạn giao thông sẽ được hạn chế; góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.

Một trường hợp đi ngược chiều đã bị cán bộ, chiến sĩ CSGT số 7 lập biên bản xử lý.
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các Lễ hội đầu Xuân năm 2025, từ nay đến ngày 14/2/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; góp phần làm giảm tình trạng ùn, tắc và tai nạn giao thông; bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân...

Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; tích cực lan tỏa những hành động đẹp, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên đường về quê vui Tết, trở lại thành phố học tập, lao động bằng những hành động thiết thực, thể hiện tinh thần “Đâu dân cần Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông”, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh người chiến sĩ Công an gần dân, vì nhân dân phục vụ./.


Tin liên quan

Siết chặt an toàn giao thông dịp cuối năm

Từ ngày 15/12/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các địa phương trong cả nước sẽ mở cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025: QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI MẠNH MẼ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Năm 2024, với sự nỗ lực, quyết tâm cao đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tạo ra dấu ấn trong xây dựng luật pháp.

Nhận diện: Nhận thức đúng về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Năm 202 sẽ là năm vô cùng bận rộn với những nhiệm vụ rất trọng đại, cấp bách. Ngay trước thềm năm mới, rất nhiều đơn vị, từ trung ương đến địa phương đã hoàn thiện đề án tinh gọn sắp xếp bộ máy với phương châm “quyết tâm cao, hành động quyết liệt”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Với tinh thần ấy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; được dư luận, Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn không ngừng tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận kết quả này.

Lực lượng vũ trang TP. Hồ Chí Minh vì nước, vì dân

Sáng 04/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước tặng Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là lần thứ 3, Lực lượng vũ trang Thành phố được tặng danh hiệu cao quý này.

Nguy cơ từ những chai rượu không rõ nguồn gốc

Các hoạt động gặp gỡ, liên hoan là một thông lệ được tổ chức ở mọi nơi mỗi dịp chia tay năm cũ, chào đón năm mới. Đó cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng các loại đồ uống có cồn tăng vọt song đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ về ngộ độc do rượu kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hoặc không rõ nguồn gốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số hơn hơn 4.500 đại biểu tham dự.