Phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển Thủ đô với mục đích để Hà Nội trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa.
Ngày 10/10/1954, trong “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” - thời điểm còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế - Bác vẫn khẳng định: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Phát biểu tại hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội, ngày 29/8/1958, Bác nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội ngày 12/9/1959, Bác nhấn mạnh đến vấn đề đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội.
Những chỉ đạo của Bác về quy hoạch Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị và được kế thừa, phát triển trong các quy hoạch hiện nay.
Làm theo lời Bác, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo cùng các chủ trương, chính sách về Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phải kể đến Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 12/12/2024.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc.
Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó, phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Phương Dung - Thanh Bình