Phó Chủ tịch Quốc hội Lào: "Chuyến thăm và tham dự AIPA-45 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thể hiện tính sinh động của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào"
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 45 (AIPA-45) với chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng chung của ASEAN”, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 17-23/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự AIPA-45 từ ngày 17-19/10.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, về hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam-Lào thời gian qua, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong hợp tác Liên nghị viện các nước ASEAN.

Phóng viên: Thưa đồng chí, chuyến thăm chính thức Lào lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của đồng chí Trần Thanh Mẫn và tham dự AIPA-45 có tầm quan trọng và ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachaki: Chúng tôi đánh giá cao việc đồng chí Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã lựa chọn Lào là nước đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài trong khu vực châu Á trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Điều này thể hiện tính sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào.

Việc đồng chí Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự Hội nghị quan trọng của các Cơ quan lập pháp trong khu vực ASEAN, là sự ủng hộ và là động lực mạnh mẽ đối với nhân dân Lào nói chung và đối với Quốc hội Lào nói riêng, góp phần quan trọng cho thành công của AIPA-45. Đây cũng là dịp tốt để lãnh đạo cấp cao của Lào và Việt Nam cùng nhìn lại truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước gìn giữ, bảo vệ và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu bằng máu và mồ hôi, trở thành di sản chung vô giá, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước.

Tôi cảm thấy rất vui vì trong giai đoạn mới, cho dù tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, tình hình nội bộ hai nước cũng có khó khăn trong nhiều lĩnh vực, nhưng mối quan hệ đặc biệt của hai đất nước vẫn tiếp tục được phát triển, đạt được kết quả tốt và đang mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực về cho người dân hai nước.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam-Lào thời gian qua. Thời gian tới, Quốc hội hai nước Việt Nam-Lào cần làm gì để gìn giữ và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn và mang lại lợi ích nhiều nhất về cho hai nước, cũng như người dân hai nước?

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak: Trong quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào có sự đóng góp tích cực của cơ quan lập pháp hai nước. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng trong suốt hàng chục năm qua, đặc biệt kể từ ngày thành lập Hội đồng nhân dân tối cao Lào năm 1975 cho đến nay, Quốc hội hai nước đã kề vai sát cánh để phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện, thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước, cấp Ủy ban và cấp chuyên viên cũng thường xuyên trao đổi các chuyến thăm; tập huấn tiếng Việt và tiếng Lào nhiều khóa. Đặc biệt, nhân dân Lào nói chung và Quốc hội Lào chúng tôi nói riêng, là người may mắn nhất khi được nhận món quà tặng vô giá của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đó là Tòa nhà Quốc hội Lào mới, nhận bàn giao năm 2021, nằm ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Đây là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.

Ngoài ra, Quốc hội hai nước đang tích cực thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác mà lãnh đạo hai Quốc hội đã ký kết và đặc biệt nhân dịp 50 năm Quốc hội Lào và 70 năm Quốc hội Việt Nam, hai Quốc hội đã cùng xây dựng cuốn sách “50 năm mối quan hệ hợp tác toàn diện và sự phát triển giữa Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam”.

Chúng tôi rất vui và biết ơn khi ở các diễn đàn quốc tế và khu vực, các đồng chí Việt Nam luôn bên cạnh để phối hợp chặt chẽ và rất vui khi năm nay, Quốc hội Việt Nam đã hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều cho Quốc hội Lào trong vai trò chủ trì tổ chức AIPA-45, đặc biệt là sự hỗ trợ của các chuyên gia đối với nội dung và công tác tổ chức AIPA-45.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Quốc hội hai nước thời gian qua đã tổ chức các Hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm hoạt động. Các buổi hội thảo như thế này đã phát huy vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai chính phủ, đặc biệt là trong việc giám sát các dự án trọng điểm của hai quốc gia?

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak: Trong suốt thời gian qua, Quốc hội hai nước đã cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như trao đổi bài học kinh nghiệm, tổ chức nhiều hội thảo quan trọng, cùng kiểm tra các dự án của nhà đầu tư Việt Nam ở Lào.

Việt Nam là một trong số các nước thuộc hàng tốp đầu trong đầu tư ở Lào, với hàng trăm dự án thuộc nhiều cấp độ khác nhau trị giá hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư ở Lào. Thời gian gần đây, trao đổi thương mại của hai nước đạt nhiều tiến triển, nhưng vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ hợp tác về chính trị. Vì vậy, lãnh đạo cấp cao hai Đảng-hai Nhà nước đã trao đổi để đưa mối quan hệ giữa hai nước tiến thêm một bước mới, đặc biệt là tập trung kết nối hai nền kinh tế với nhau, bằng việc kết nối cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, đường sắt Lào-Việt Nam, hợp tác về nông nghiệp…, làm cho sự phát triển của Lào đạt bước tiến tốt hơn.

Chúng tôi vẫn luôn hợp tác với Quốc hội Việt Nam để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra. Thời gian qua, hai Quốc hội đã bố trí đoàn xuống cơ sở để giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư, tìm hiểu tình hình thực tế về những khó khăn trong đầu tư của Việt Nam ở Lào, để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện theo thỏa thuận của hai Chính phủ hai nước.

Chúng tôi rất vui vì thời gian qua, các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên giao lưu và tổ chức hội thảo về các chủ đề liên quan việc thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp, nổi bật nhất trong năm 2024 là việc trao đổi kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp của Lào và Việt Nam, khi đoàn Việt Nam do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn, sang Lào tổ chức hội thảo đúng dịp Quốc hội Lào đang sửa đổi Hiến pháp năm 2015, cùng với đó là hội thảo giữa các nữ đại biểu Quốc hội hai nước về nâng cao vai trò của phụ nữ trong Quốc hội và nhiều vấn đề khác.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam trong hợp tác Liên Nghị viện các nước ASEAN. Việc Việt Nam cử đoàn cấp cao nhất tham dự AIPA-45 có ý nghĩa như thế nào đối với sự thành công của Hội nghị nói chung, cũng như với nước Chủ tịch AIPA-45?

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak: Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp tích cực trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như những đóng góp tích cực của Quốc hội Việt Nam trong các diễn đàn AIPA, với các ý kiến mang tính xây dựng về các vấn đề mà các nước trong khu vực đang đối mặt hiện nay.

Chúng tôi rất vui vì trong năm 2024, khi Lào chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và Quốc hội Lào chủ trì tổ chức AIPA-45, Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã luôn đứng bên cạnh chúng tôi, giúp đỡ về vật chất cho việc tổ chức các hội nghị quan trọng này và đặc biệt là các đồng chí còn cử chuyên gia sang giúp công tác chuẩn bị về mọi mặt cho các hội nghị này, giúp chúng tôi chuẩn bị tốt hơn cho các hội nghị.

Đặc biệt, việc đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dẫn đầu sang tham dự AIPA-45, sẽ là động lực mạnh mẽ cho nước chủ nhà chúng tôi, là sự đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị lần này. Xin chúc cho chuyến thăm và tham dự AIPA-45 thành công tốt đẹp.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Xuân Tú-Bá Thành

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X

Sáng 17/10, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 chính thức khai mạc với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường dự và tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Lần đầu tiên mía đường Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nhờ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất như: làm đất, thu hoạch, phun thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ 4.0 trong canh tác… cùng với việc Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành đường đã ghi nhận sự “hồi sinh” và tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt lần đầu tiên ngành mía đường Việt Nam dẫn đầu khu vực về năng suất đường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm huyện đảo Cồn Cỏ

Sáng 16/10, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã ra thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ và nhân dân đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 15/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Con người là trung tâm trong mọi chính sách

Ngày 15/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước". Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội thảo.

Gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024), chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hôi Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, nữ cán bộ cấp vụ trưởng của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.