Từ tư tưởng “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay (Phần I)
Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Trường Hà, huyện Hà Quảng trong chuyến thăm Cao Bằng, ngày 23/4/2015. 
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2024) và 25 năm "Ngày Dân vận của cả nước" (15/10/1999-15/10/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính có bài viết "Từ tư tưởng “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay".

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

"Cách đây 75 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận. Tác phẩm Dân vận có nội dung rất ngắn gọn, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo; phù hợp với trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhưng trong đó hàm chứa tầm vóc tư tưởng của một tác phẩm lớn, thể hiện tầm cao trí tuệ, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.

Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân; về tầm quan trọng của công tác dân vận và những chỉ dẫn cho toàn Đảng, cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận; những yêu cầu phải thực hiện để công tác dân vận phát huy được đông đảo lực lượng nhân dân cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

* Khẳng định vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”

Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại. Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các bậc tiền nhân trong lịch sử khi nhìn nhận về vị trí, vai trò, sức mạnh “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Là nhà tư tưởng Mácxít sáng tạo, Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử về vai trò của nhân dân - những người làm nên lịch sử. Bởi vậy, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm Dân vận của Người là tư tưởng trọng dân, đề cao nhân dân, lấy đạo lý phục vụ nhân dân làm lẽ sống và là nhiệm vụ cao cả nhất của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỉ niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc (1 - 6/5/1952). 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tư tưởng đó, đồng thời trở thành phương châm hành động trong toàn bộ cuộc đời hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng trọng dân, dân là gốc của nước, dân là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo ra lịch sử; phát huy quyền làm chủ của nhân dân được Hồ Chí Minh phân tích trên nhiều chiều cạnh, trong đó thể hiện thông qua bản chất dân chủ của nhà nước. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ”; Nhà nước ta được xây dựng bởi nhân dân, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong một chính thể dân chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Đảng và Nhà nước phải lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu tối thượng, mọi hoạt động đều vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân; ngoài ra, không có lợi ích nào khác.

Đề cao dân chủ, Hồ Chí Minh cũng đồng thời yêu cầu: Nhân dân được hưởng quyền lợi làm chủ, thì đồng thời cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm của người chủ, có trách nhiệm xây dựng và quản lý nhà nước của mình, chế độ do mình lập ra và xã hội do mình xây dựng. Điều đó đòi hỏi trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, kháng chiến, kiến quốc, chính nhân dân là chủ thể tổ chức và hành động: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành Quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958). 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào đều phải không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác vận động, tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân để phục vụ và mưu cầu lợi ích của nhân dân. Mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên đều phải “từ quần chúng mà ra và trở lại nơi quần chúng”, đều phải dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân để “đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân”.

* Nền tảng về công tác dân vận của Đảng

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn về tập hợp, tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, với tư duy biện chứng, trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề cốt lõi của công tác vận động quần chúng, từ việc giải thích: “Dân vận là gì?”; “Ai phụ trách dân vận?” cho đến “Dân vận phải thế nào?” để đúng và khéo. Những nội dung đó thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác dân vận, nhằm mục tiêu động viên tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt trong những thời điểm mang tính bước ngoặt cách mạng, khi “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.

Xuất phát từ mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải đoàn kết, tập hợp hết thảy lực lượng toàn dân tộc, “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Muốn vậy, các giải pháp thực hiện của công tác dân vận phải vừa bao quát, vừa mang tính cụ thể, thực chất và thiết thực.

Trước hết, phải phát huy trách nhiệm của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Trong tổ chức và thực hành công tác dân vận, phải khuyến khích được động lực lợi ích và tính hăng hái cách mạng của quần chúng; trong mọi công việc phải bàn bạc dân chủ với dân, “hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”; đồng thời phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Đặc biệt, Người yêu cầu trong lúc thi hành công tác dân vận, cán bộ dân vận phải gương mẫu “nói đi đôi với làm”, phải “thật thà nhúng tay vào việc”, “không nói suông”, “chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, phải “làm kiểu mẫu cho dân”; luôn chú ý kiểm tra, kiểm soát, rút kinh nghiệm trong công tác. Người cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, gần gũi nhân dân, học dân, hiểu dân, từ đó huy động được tài dân, sức dân vào sự nghiệp cách mạng.

Là nhà hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấu những vấn đề đặt ra và cả những lệch lạc, yếu kém trong công tác dân vận. Người chỉ ra và phê phán: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận”, thói phó mặc cho người khác, thói vô trách nhiệm, “tự cho mình không có trách nhiệm dân vận” của không ít cán bộ. Đó không chỉ là khuyết điểm mà còn là “sai lầm rất to, rất có hại” đối với sự nghiệp cách mạng.

Tại buổi đến thăm, nói chuyện thân mật với các thương binh tại trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, ngày 11/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thương binh tàn, nhưng không phế”. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân. Người khẳng định dân là “gốc” của nước, “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhất quán với quan điểm đó, trong tác phẩm Dân vận, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định tầm quan trọng quyết định của công tác dân vận đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đúc kết đó của Hồ Chí Minh vừa là một chân lý, vừa là một khoa học và nghệ thuật của công tác dân vận.

Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận đã là cơ sở, kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng và của các tổ chức trong hệ thống chính trị, qua các thời kỳ cách mạng.

* Sự kết tinh của mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

Kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong tiến trình cách mạng, Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận động, tập hợp, đoàn kết, huy động các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong các phong trào cách mạng. Những thắng lợi mang tầm vóc lịch sử mà dân tộc ta giành được trong các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội...

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thường xuyên xuống bản tuyên truyền cho nhân dân về giữ gìn an ninh trật tự, phương thức phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. 
Ảnh: Công Tuyên - TTXVN

Trải qua gần 40 năm đổi mới, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra những điều kiện, tiền đề thuận lợi, thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Đó là những minh chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của toàn dân, khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo khéo tổ chức, vận động và phát huy trong tiến trình cách mạng.

Trong công cuộc đổi mới, nội dung và giá trị tác phẩm Dân vận vẫn giữ nguyên tính thời sự sâu sắc, là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận. Những chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài... trong thời kỳ đổi mới được Đảng và Nhà nước ta xây dựng, bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc của một cuộc cách mạng, nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự nghiệp to lớn và vẻ vang đó xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng và sáng kiến của quần chúng nhân dân.

"Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Đó cũng là bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc cần được vận dụng và phát huy trong tình hình hiện nay.

* Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong công cuộc đổi mới

Qua 40 năm đổi mới đất nước cho thấy công tác dân vận của Đảng đã có sự phát triển rất sâu sắc về lý luận và thực tiễn, được nâng tầm với nhiều nội dung mới, thể hiện tinh thần, tư tưởng mới của Đảng. Nhân dân là gốc và được đặt ở vị trí trung tâm, đóng vai trò chủ thể, là bước phát triển mới cả về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn; được thể hiện đậm nét trong mọi chiến lược phát triển đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới và đó cũng là cơ sở, là mục tiêu trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đồn Biên phòng N17 Quế Phong (Nghệ An) tổ chức tốt công tác vận động quần chúng trên địa bàn đơn vị quản lý; thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. 
Ảnh: TTXVN phát

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được làm sáng tỏ, được xây dựng, từng bước hoàn thiện và có bước phát triển hết sức mạnh mẽ và sâu sắc, nhất là từ khi Đảng ban hành, thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW và Nhà nước thể chế hóa thành hệ thống pháp luật, cao nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dân chủ đã được triển khai ngày càng sâu rộng; các hình thức thực hành dân chủ từng bước được hoàn thiện, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là dân chủ ở cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng, từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng” (Đại hội XIII); hình thức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng tăng cường và nền nếp, hiệu quả.

Có thể thấy, Đảng ta luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với chủ trương nhất quán, xuyên suốt các kỳ Đại hội và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế đảm bảo dân chủ cơ sở, quyền làm chủ thực sự của nhân dân; khẳng định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong mọi thời kỳ. Đặc biệt, cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã từng bước được làm sáng tỏ và ngày càng nhuần nhuyễn.

(Còn tiếp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm huyện đảo Cồn Cỏ

Sáng 16/10, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã ra thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ và nhân dân đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 15/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Con người là trung tâm trong mọi chính sách

Ngày 15/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước". Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội thảo.

Gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024), chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hôi Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, nữ cán bộ cấp vụ trưởng của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Bảo vệ một chính sách nhân văn

Trong khi hàng triệu người lao động khao khát suất nhà ở xã hội mơ ước thì những căn nhà như vậy lại sẵn “dư dả” để cho nhiều người nước ngoài thuê ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Hiệu quả công tác dân vận với “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”

Nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, chú trọng phong cách “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” đối với nhân dân, thời gian qua, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng triển khai các mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn. Điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.