Sự thật không thể bóp méo
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh quốc gia, trật tự xã hội và bảo vệ người dân trên môi trường số đã trở thành một trong yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia. Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang pháp lý chuẩn mực nhằm thiết lập một một môi trường số an toàn, lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, một số nhóm, tổ chức và cá nhân có thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam luôn tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc các chính sách quản lý dữ liệu và Internet tại Việt Nam.

Sau khi Quốc hội Việt Nam ngày 30/11 thông qua Luật Dữ liệu, các đài RFA, BBC, VOA... và nhóm phản động Việt Tân dùng chiêu trò quy chụp, cho rằng luật này "sẽ gây tổn hại cho các công ty nước ngoài" khi “xâm phạm quyền riêng tư” và “bóp nghẹt sự sáng tạo”. Những điểm trong Luật Dữ liệu được các nhóm này xoáy sâu là các quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu khi cơ quan nhà nước yêu cầu trong các tình huống đặc biệt như: ứng phó với tình huống khẩn cấp, đe dọa an ninh quốc gia, thảm họa, hoặc trong công tác phòng chống bạo loạn, khủng bố; yêu cầu phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước mới được chuyển giao dữ liệu cốt lõi ra ngoài biên giới.

Rõ ràng, đây là hành vi bóp méo, cố tình "thay đen đổi trắng" mục đích thực sự của việc siết chặt quản lý dữ liệu ở Việt Nam, đó là bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và bảo vệ công dân trước các nguy cơ khủng bố, bạo loạn, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ các tài sản số quan trọng của quốc gia nhằm ngăn nguy cơ các “dữ liệu cốt lõi” bị lợi dụng. Việc ban hành Luật Dữ liệu là hết sức cần thiết, không những để bảo vệ đất nước và duy trì sự ổn định xã hội, mà còn bảo vệ quyền của người dân và những nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế. Việt Nam cũng đang xây dựng dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm và nâng cao hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, đồng thời cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện quyền con người, quyền công dân. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định về vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, như Luật Dữ liệu áp dụng tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay Luật Dữ liệu mở của Hàn Quốc; Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân của Trung Quốc...

Các thế lực thù địch cũng xuyên tạc Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, sắp có hiệu lực từ ngày 25/12. Với cách diễn giải phiến diện, méo mó một cách có chủ ý, chúng rêu rao rằng quy định yêu cầu xác minh danh tính người dùng trên mạng xã hội là "xâm phạm quyền riêng tư", "hạn chế tự do ngôn luận, tự do Internet".... Các tổ chức thiếu thiện chí đã phớt lờ một thực tế rằng không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ quản lý Internet để đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng. Trung Quốc đã triển khai hệ thống đăng ký tên thật cho các dịch vụ mạng xã hội từ năm 2017, yêu cầu người dùng xác thực tài khoản bằng thông tin cá nhân. Mỹ cũng đã triển khai các biện pháp quản lý an toàn thông tin mạng, bao gồm các quy định về chia sẻ thông tin và phòng chống khủng bố mạng. Tại Liên minh châu Âu, Đạo luật Dịch vụ số ra đời yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Google, Amazon phải chịu trách nhiệm pháp lý cao hơn trong việc chống tin giả và nội dung độc hại.

Thực tế cho thấy trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, tình trạng phát tán tin giả, lừa đảo trực tuyến và các hành vi phạm pháp trên Internet đang trở thành mối đe dọa lớn đối với xã hội. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận hơn 22.200 phản ánh về lừa đảo trực tuyến, trong đó hơn 80% là các vụ chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo kỹ thuật số. Đặc biệt, 70% các vụ lừa đảo diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo và Facebook. Trong bối cảnh đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP ra đời đã tạo thêm lớp "lá chắn" mới, cùng với Luật An ninh mạng 2018 và các quy định liên quan, giúp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và bảo vệ người dân trước các rủi ro khôn lường và phức tạp từ thế giới ảo.

Trong một thế giới ngày càng số hóa và toàn cầu hóa, việc quản lý tốt dữ liệu và không gian mạng là điều hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ nền an ninh quốc gia và quyền lợi hợp pháp của công dân. Bên cạnh việc luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, Nhà nước Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền của người dân được bảo đảm an toàn trên không gian mạng và môi trường số. Đó là sự thật không thể bóp méo. Việc một số cá nhân, nhóm người, tổ chức có xu hướng đối nghịch tìm cách xuyên tạc bản chất của chính sách quản lý dữ liệu và Internet tại Việt Nam thực chất là thủ đoạn hòng kích động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, kìm hãm, cản trở sự phát triển của Việt Nam./.

PHƯƠNG OANH

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 40 với trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024; xem xét, quyết định chương trình công tác và chương trình đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ năm 2025. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/12.

Nhân quyền ở Việt Nam: Dấu ấn trên hành trình vì con người

“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã toát lên một cách chân thực nhất quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện cam kết đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, bởi đó luôn là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong suốt 79 năm thành lập nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, tiếp đó là tạo dấu ấn về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.