Doanh nhân Việt trong và ngoài nước “bắt tay” mở cơ hội tăng trưởng mới
Chuỗi sự kiện lần này là chú trọng tạo ra cơ hội hợp tác thực tế và bền vững trên cơ sở không chỉ dừng lại ở gặp gỡ và trao đổi, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển ở một số thị trường trọng điểm.
Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp Việt.
Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ngày 9/12, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài tổ chức tọa đàm “Kết nối kinh doanh giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ”. Đồng thời, triển khai lễ ký kết MOU giữa các hiệp hội doanh nghiệp về hợp tác toàn diện hỗ trợ thị trường cho thương hiệu Việt.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, chuỗi sự kiện được tổ chức song song hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong nước và ở 8 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điểm nổi bật của chuỗi sự kiện lần này là chú trọng tạo ra cơ hội hợp tác thực tế và bền vững trên cơ sở không chỉ dừng lại ở gặp gỡ và trao đổi, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển ở một số thị trường trọng điểm.

Cụ thể, liên quan đến thị trường Hoa Kỳ, TS. Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Texas, Hoa Kỳ chia sẻ, thị trường Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên mong muốn các hiệp hội và doanh nghiệp nội địa, cũng như tại các quốc gia kết nối thông tin, cùng những kế hoạch hành động cụ thể. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý những cơ chế chính sách thay đổi trong thời gian tới, trong đó nắm bắt lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh tại những thị trường quan trọng hàng đầu của hàng Việt như Hoa Kỳ.

Riêng phân tích về định hướng chuỗi giá trị toàn cầu của Hoa Kỳ và cơ hội hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Indiana (Hoa Kỳ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam chỉ ra rằng, chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chính sách công nghiệp mới… là những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp Việt cần bám sát và cập nhật tình hình trong thời gian tới. Chính sách của Hoa Kỳ cũng tăng cường sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, bảo vệ việc làm cho người lao động nội địa.

Mặc dù, trong bối cảnh chính sách thương mại Hoa Kỳ cho thấy đang hướng đến bảo hộ thị trường nội địa, nhưng Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Hoa kỳ. Theo đó, Việt Nam sẽ xuất hiện những cơ hội và thách thức mới trong tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nhất là thuế quan và bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng trong tương lai.

Trong khi đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Tp. Hồ Chí Minh cho biết, với quan điểm “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nước ta với các nước trên thế giới”, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Tp. Hồ Chí Minh luôn đẩy mạnh phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Hoa kỳ nói riêng để phục vị phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tính đến nay, có khoảng hơn 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời thành phố cũng thu hút khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều quốc gia trên thế giới về hợp tác làm việc dài hạn tại thành phố.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng cho rằng, tọa đàm và lễ ký kết MOU giữa các đơn vị lần này là dấu mốc quan trọng trong tăng cường kết nối giữa doanh nhân trong và ngoài nước, nhất là kiều bào trên toàn thế giới. Thông qua những chương trình hoạt động chung, các bên sẽ khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng sẵn có, mở rộng mạng lưới hợp tác và thúc đẩy giao thương giữa cộng đồng doanh nhân Việt, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.

Còn theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, chuỗi sự kiện lần này, cũng là một trong hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình 9th Monthly B2B lần thứ 21 nên Ban tổ chức đồng thời thúc đẩy hoạt động giao thương quy tụ hơn 100 doanh nghiệp và gần 300 doanh nhân giới thiệu đa dạng sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, mua sắm cho mùa lễ hội cuối năm, cũng như dịp Tết sắp đến. Ngoài trưng bày sản phẩm, dịch vụ trực tiếp, cộng đồng doanh nghiệp cũng tham gia livestream giới thiệu sản phẩm trực tuyến trên nền tảng TikTok, mang đến những talkshow thảo luận về thương mại điện tử, ứng dụng AI trong bán hàng…

Tham gia chuỗi sự kiện, nhiều hiệp hội doanh nghiệp ưu tiên chọn những doanh nghiệp có sản phẩm về hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho mùa Tết năm nay, với kỳ vọng vừa tăng cường kết nối, vừa tạo động lực nâng cao năng lực để đưa ra những chiến lược thích nghi phù hợp giai đoạn mới. Một số câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành tại Tp. Hồ Chí Minh cũng mong muốn tạo cầu nối giao thương với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng đến rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước, hướng đến xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh dài hạn./.

Tin liên quan

Dấu mốc mới trong hợp tác đào tạo kinh tế Nga - Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, chiều 26/11, tại Đại học tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga (FU) ở thủ đô Moskva đã diễn ra phiên họp thứ nhất Hiệp hội khối đại học kinh tế của LB Nga và Việt Nam và lễ ký văn bản gia nhập hiệp hội này.

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 40 với trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024; xem xét, quyết định chương trình công tác và chương trình đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ năm 2025. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/12.

Nhân quyền ở Việt Nam: Dấu ấn trên hành trình vì con người

“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã toát lên một cách chân thực nhất quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện cam kết đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, bởi đó luôn là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong suốt 79 năm thành lập nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, tiếp đó là tạo dấu ấn về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.