Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển nền tảng số, hạ tầng thanh toán điện tử xuyên biên giới trong và ngoài nước tham gia.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn thông tin, Lạng Sơn là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại; thuận lợi về vị trí địa lý cùng mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc chính là "đòn bẩy" để phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử qua biên giới.
Hội thảo tổ chức tại Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Lạng Sơn trong đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử với các đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư, hợp tác và kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử quốc tế và các dịch vụ như logistics, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng...
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, sự kiện hôm nay là cơ hội để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chia sẻ về định hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới phải hướng đến tính bền vững; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới (Luật Thương mại điện tử, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử); kết nối khai báo thuế và tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh; tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới…
Tại Lạng Sơn, thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh. Hiện tại, tỉnh có gần 21.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc; trên 228.000 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc; trên 72% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới trên địa bàn, ông Liễu Anh Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn sẽ triển khai chuyển đổi số toàn diện, phát triển đồng bộ hệ sinh thái số với các nền tảng chung; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Cùng với đó tỉnh tăng cường triển khai các chiến lược phát triển dịch vụ logistics và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu; trong đó, tập trung thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh...
Ông Lý Kiến Lương - Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam, Quảng Tây đang tích cực thúc đẩy nâng cấp các cửa khẩu, lối thông quan thông suốt. Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới của Quảng Tây đã kết nối với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Sở đã tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ cho cả thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, kết hợp với các chính sách ưu đãi của khu vực thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới. Triển vọng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam khá rộng mở.
Tại hội thảo, một số lãnh đạo, người đứng đầu công ty, đơn vị hàng đầu trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử xuyên biên giới đã chia sẻ về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Liên quan đến giải pháp cho doanh nghiệp về xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử, bà Nguyễn Phương Thảo - Đại diện Công ty cổ phần tập đoàn OSB (Đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam) nhấn mạnh đến sự cần thiết nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo; trang bị cho doanh nghiệp kiến thức về các công nghệ mới như Big Data, AI, Blockchain; tăng cường quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực có uy tín lên nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Ông Lê Xuân Trường - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Lạng Sơn cho hay, nhất thiết cần tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thanh toán quốc tế phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài việc dựa trên các nghiệp vụ truyền thống như tín dụng chứng từ, nhờ thu, chuyển tiền, bảo lãnh, bao thanh toán… cũng cần đưa vào vận hành công nghệ thanh toán quốc tế chuyên biệt như bao thanh toán chuyên biệt, thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS), chiết khấu nhanh, bảo lãnh thanh toán thuế xuất nhập khẩu.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra chương trình tọa đàm với nội dung “Chung tay thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”./.