Thành quả ban đầu từ những quyết sách đúng đắn
Những thành tựu qua gần 40 năm Đổi mới, đặc biệt là thời gian gần đây đã cho thấy con đường để phát triển đất nước do Đảng ta vạch ra đang ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn.
Dây chuyền sản xuất mô đun camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MCNEX VINA (100% vốn Hàn Quốc), khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN

Dư địa để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu chính của năm 2025 là rất lớn, được thể hiện qua những kết quả đáng nghi nhận trong 6 tháng qua như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,52%, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư công thực hiện được 291,9 nghìn tỷ đồng, vốn FDI đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đạt 432 tỷ USD, có 152,7 nghìn doanh nghiệp mới gia nhập thị trường…

Những quyết sách lớn ở đầu “năm bản lề”

Năm 2025 là năm có nhiều cột mốc lịch sử quan trọng, năm then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (2021 – 2025), được kỳ vọng là “năm bản lề” mở ra thời kỳ thịnh vượng của đất nước.

Chính vì vậy mà từ cuối tháng 12/2024 đến hết tháng 6/2025, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước hết, đó là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ tứ Nghị quyết tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đưa ra những định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, xã hội, xây dựng thể chế; tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong 6 tháng qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị về việc tinh gọn bộ máy, “sắp xếp lại giang sơn”, đơn giản các thủ tục hành chính… đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như người dân.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Quốc hội (từ ngày 5/5 đến 30/6/2025) đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn, giao quyền cho các đơn vị trực tiếp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Chính phủ đã phát động và tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hoá nhằm bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi, củng cố niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở. Đây là yếu tố cơ bản giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước linh hoạt điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn của các tổ chức tín dụng.

Con số ấn tượng bên cạnh mức tăng GDP

Các chuyên gia kinh tế và truyền thông trong và ngoài nước quan tâm nhiều tới mức tăng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng 7,52%, cao nhất so với mức tăng cùng kỳ của giai đoạn 2011-2025.

Nhiều giải pháp về công nghệ và nhân lực đã được đề ra để đảm bảo dòng vốn FDI vào Việt Nam thực sự trở thành cú hích mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo. 
Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Con số này rất có ý nghĩa bởi mức tăng trưởng GDP phản ánh tình hình sức khỏe của một nền kinh tế, tác động đến mức sống của người dân, tạo ra việc làm và thúc đẩy đầu tư, đổi mới.

Mức tăng 7,52% trong nửa đầu năm tạo ra dự địa lớn để nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào cuối năm.

Con số 8% là mức tối thiểu cần đạt được trong năm nay, tạo tiền đề cho mức tăng GDP 10% hoặc hơn vào các năm sau. Có như vậy, chúng ta mới kịp hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao với thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD vào năm 2045.

Mức tăng trưởng trung bình 5-7%/năm như trong thời gian dài qua không thể giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Vào năm 2024 nước ta đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Indonesia với 1.470 tỷ USD, Thái Lan - 548,89 tỷ USD, Singapore - 525,22 tỷ USD), thứ 14 ở châu Á và thứ 33 trên thế giới, có thu nhập trung bình đầu người là 4.700 USD.

Bên cạnh mức tăng GDP khá cao thì trên bức tranh kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm còn có nhiều mảng màu sáng khác rất đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,8%, tăng trưởng thương mại chỉ ở mức 1,7%, bằng một nửa so với mức tăng của năm 2024, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì các chỉ số kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể, dù bị tác động hết sức mạnh mẽ từ các biến động của thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2025 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn đăng ký điều chỉnh của 826 lượt dự án đã được cấp phép từ những năm trước đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024), thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Vốn FDI giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%, mức cao nhất của kỳ 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường nước ta, đồng thời khẳng định năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, số dự án mới đăng ký đạt mức cao với 1.988 dự án được cấp phép, tăng 21,7%.

Dù có nhiều biến động bởi tình hình thế giới, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4%.

Kim ngạch xuất khẩu bình quân của từng tháng tăng dần qua các tháng: bình quân 2 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 32,13 tỷ USD/tháng; bình quân 3 tháng đạt 34,26 tỷ USD/tháng; bình quân 6 tháng đạt 36,63 tỷ USD/tháng, tăng 6,9 điểm phần trăm so với bình quân 3 tháng đầu năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 152.700 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bình quân mỗi tháng có 25.400 cơ sở, lớn gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Như vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đã được củng cố mạnh mẽ.

Những thành tựu qua gần 40 năm Đổi mới, đặc biệt là thời gian gần đây đã cho thấy con đường để phát triển đất nước do Đảng ta vạch ra đang ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn. Những luận điệu xuyên tạc sẽ không có cơ hội trước những bằng chứng hiển nhiên, khi đời sống nhân dân ngày một tốt hơn. Nhất là trong nửa đầu năm 2025, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không phải là "hình thức", "cản trở" hay "làm mất động lực" phát triển như các thế lực thù địch rêu rao, mà ngược lại đã khẳng định bước đầu về một chính quyền gần dân, sát dân, hiệu lực, hiệu quả.

Tin liên quan

Động lực giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quản trị

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Thông tấn xã Mỹ Latinh (Prensa Latina) những ngày này dành sự quan tâm đặc biệt đối với thông tin Việt Nam chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) từ ngày 1/7/2025, coi đây là bước chuyển mình quan trọng trong cải cách hành chính công.

Tiền đề cho Việt Nam phát triển trong thời gian tới khi bước vào kỷ nguyên mới

Chuyển sang mô hình địa phương 2 cấp là bước cải cách thể chế hành chính có tính lịch sử cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tái cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn. Điều này đã thu hút sự quan tâm của người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Indonesia.

Tin cùng chuyên mục

Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 47. Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến 8 nội dung lớn.

Lòng tin thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11/7/1995 – 11/7/2025 theo giờ Mỹ, tức 12/7/1995 - 12/7/2025 theo giờ Việt Nam), Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, học giả Fulbright thường trú tại Đại học Mỹ (AU) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington về những bước phát triển trong quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù này và triển vọng hợp song phương trong thời gian tới.

Quan hệ Việt - Mỹ tiến tới tầm cao mới trên nền tảng chiều sâu hiểu biết và tin cậy lẫn nhau

Nhân kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ (1995 - 2025), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện, cũng như những lĩnh vực hợp tác mà hai nước có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.

Phiên họp thứ nhất Hội đồng Bầu cử quốc gia

Sáng 9/7, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Phiên họp thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì phiên họp.

Việt Nam thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về quyền con người trong ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, ngày 8/7, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) đã khởi động với hai hoạt động quan trọng là Đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động.

30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác trong tương lai

Năm 2025 là một cột mốc đặc biệt đánh dấu 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương (11/7/1995 – 11/7/2025 theo giờ Mỹ, tức 12/7/1995 đến 12/7/2025 theo giờ Việt Nam), đồng thời đánh dấu 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Washington, ông Brian Eyler - nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, cho rằng trong suốt 30 năm, hai nước đã chuyển từ cựu thù sang đối tác và đó là công sức của chính phủ và nhiều cá nhân tại Việt Nam và Mỹ trong 3 thập kỷ qua.

Dấu son 2 cấp

Ngày 1/7/2025 ghi dấu thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc khi cả nước đồng loạt vận hành chính thức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố. Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Lựa chọn kỹ càng cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Chính phủ đang quan tâm đến việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhưng việc lựa chọn doanh nghiệp đủ tài lực cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Phim tài liệu về 5 làng nghề Việt Nam thu hút khán giả Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong những ngày này, trong khuôn khổ Festival Vietnam đang diễn ra tại Lorient - thành phố phía Tây nước Pháp, bộ phim tài liệu “Những bàn tay giữ lửa truyền thống” kể về 5 làng nghề thủ công của Việt Nam chiếu tại rạp Cineville đã thu hút rất đông khán giả Pháp tới xem khi phòng chiếu phim thường xuyên không còn chỗ trống. Trước đó, trong khuôn khổ Tuần Việt Nam diễn ra tại thành phố Saint-Herblain vào cuối tháng 6, bộ phim này cũng đã được công chiếu tại rạp Lutetia với lượng khán giả đông đảo.