![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm với các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Ngày 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thành quả của biết bao lớp người đã ngã xuống, là sự tiếp nối truyền thống quật cường, bất khuất suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
50 năm qua, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4 và những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, trên khắp mọi miền Tổ quốc lại diễn ra các hoạt động tri ân sự hy sinh, những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công.
Năm 2025, Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, lễ diễu binh, diễu hành tại TP Hồ Chí Minh quy mô cấp quốc gia. Chủ tịch nước quyết định dành hơn 834 tỷ đồng tặng quà người có công với cách mạng. Trên 80 công trình trọng điểm tại nhiều tỉnh, thành phố đã được khởi công và khánh thành đúng dịp kỷ niệm (trong đó có nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất). Các địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa; nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…
Những ngày này, người dân cả nước đều hướng về thành phố mang tên Bác kính yêu, để được hòa vào không khí tưng bừng kỷ niệm Chiến thắng 30/4; để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng - những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh để đất nước có được cơ đồ rạng rỡ hôm nay.
Để đất nước có được hòa bình hôm nay, đã có gần 1,2 triệu người con ưu tú anh dũng hy sinh trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Có biết bao người vợ, người mẹ mất chồng, mất con. Bao chiến sĩ trở về khi không còn lành lặn và người thân của họ phải gánh chịu di chứng chiến tranh.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim Hoa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thêm một lần khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả; đồng thời yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch các chính sách để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta".
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công đảm bảo chặt chẽ, thật sự xứng đáng, đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công, đồng thời kiên quyết xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chính sách với người có công.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, bước vào công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa” thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công. Chính sách ưu đãi người có công được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công. Đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi được nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
![]() |
Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Cùng với chế độ trợ cấp, trợ cấp một lần, phụ cấp hằng tháng, các chế độ ưu đãi khác cũng được triển khai thực hiện, như hỗ trợ y tế, giáo dục đào tạo, miễn giảm thuế, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện nhà ở đất ở, chăm sóc sức khỏe, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.
Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi; tìm hài cốt đồng đội; các dự án phục hồi di ảnh liệt sĩ, v.v... đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội; thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tính nhân văn “yêu nước thương nòi”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (tính đến cuối năm 2024), cả nước đã vận động được trên 610 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới gần 4.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 3.400 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 338 tỷ đồng; tặng trên 6.400 sổ tiết kiệm; có 2.412 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng...
![]() |
Những kết quả đạt được không chỉ góp phần làm ổn định, nâng cao mức sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mà còn củng cố lòng tin với Đảng, Nhà nước; giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ.
Dù đã nỗ lực cao nhất và với trách nhiệm cao nhất, công tác “đền ơn đáp nghĩa” vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi, chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước. Đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những gia đình có người thân là nạn nhân chất độc da cam/dioxin chưa được bù đắp tương xứng...
Đó cũng là nỗi trăn trở, đòi hỏi mỗi người trong chúng ta cần thấy rõ trách nhiệm, đóng góp công sức và việc làm thiết thực để thể hiện lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.