Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Thái Lan
Sáng 16/5, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ đón Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4, Nội các chung Việt Nam-Thái Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Thái Lan

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kể từ khi bà nhậm chức Thủ tướng Thái Lan; cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan sau 11 năm và đồng chủ trì Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau 10 năm.

Chuyến thăm là dịp để hai bên cùng đánh giá lại tiến trình thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian vừa qua nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất trong kỷ nguyên hợp tác, phát triển sắp tới.

Sau 49 thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập “Đối tác chiến lược tăng cường”, quan hệ Việt Nam – Thái Lan phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực chất, hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực.

Với sự tin cậy chính trị cao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, APEC, Liên hợp quốc, tiểu vùng sông Mê Công…

Kinh tế - thương mại - đầu tư là trụ cột hợp tác nổi bật trong quan hệ hai nước. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 9 trên thế giới với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 20,2 tỷ USD. Đến tháng 1/2025, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN. Thái Lan đứng thứ 33/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, lao động, giáo duc – đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân... đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2024, có hơn 984 nghìn khách du lịch Việt Nam thăm Thái Lan và hơn 418 nghìn khách Thái Lan đến Việt Nam. Thái Lan đang thúc đẩy sáng kiến hợp tác du lịch “sáu quốc gia, một điểm đến”.

Hiện có 19 cặp tỉnh, thành phố của hai nước ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa. Cộng đồng người Thái Lan gốc Việt có hơn 100 nghìn người, đóng vai trò quan trọng là cầu nối quan trọng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chuyến công tác tại Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026, góp phần tạo động lực mới để quan hệ Việt Nam - Thái Lan phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Kế hoạch). Kế hoạch nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh. Theo Kế hoạch, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp tập trung thi đua thực hiện một số nội dung.

13 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (tính đến 16/5/2025)

Ngày 16/5/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 15 đến 16/5/2025) của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, hai nước đã nâng cấp quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Tính đến ngày 16/5/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024), New Zealand (2/2025), Indonesia (10/3/2025), Singapore (12/3/2025) và Thái Lan (16/5/2025).

Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực Tổ chức Hải quan thế giới

Tại phiên họp lần thứ 247/248 của Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) thuộc Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tại Brussels (Bỉ) ngày 14/5/2025, Việt Nam đã tiếp tục được các thành viên WCO tín nhiệm tái cử giữ cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026. Trước đó, Việt Nam đã giữ chức Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2024-2025.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sinh sản thành công giống cá cam

Lần đầu tiên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, dùng để chế biến sashimi, sushi và có giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Trước đó đơn vị cũng nghiên cứu và sinh sản thành công cá nhụ bốn râu (cá chét, cá gộc). Đây là kết quả đột phá, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.  

Bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã cấp mã cảng “VNANA” cho Công viên bến du thuyền Ana Marina Nha Trang. Đây là bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động chính thức. Bến du thuyền này có công năng phục vụ 110 du thuyền, tối đa lên đến 220 du thuyền với vị trí địa lý tưởng, có thể kết nối giao thông hàng hải giữa khu vực Đông Nam Á và Bắc Á.  

3 thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng

Thành phố Hải Phòng chính thức đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng” đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025). Trước đó, ngày 28/4/2025, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng” đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng vì đã có thành tích xuất sắc, toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với quyết định này, Hải Phòng vinh dự sánh vai cùng các đô thị lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” năm 2005 và Thủ đô Hà Nội, được phong danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000.  

Việt Nam được đề cử làm Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Tại Phiên họp thứ ba và cuối cùng của Ủy ban Trù bị (PrepCom 3) để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 (RevCon11) Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026, Việt Nam đã được đề cử vào vị trí Chủ tịch của Hội nghị kiểm điểm NPT lần thứ 11 trong năm 2026. Quyết định này thể hiện sự ghi nhận và tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như sự kỳ vọng về vai trò và năng lực của Việt Nam trong điều hành, dẫn dắt một trong những tiến trình chính trị-an ninh quốc tế quan trọng nhất hiện nay trong khuôn khổ Liên hợp quốc.  

“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”

Tư tưởng “đổi mới” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói, nổi bật là “Đường kách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới”, “Dân vận” và đặc biệt là trong bản Di chúc thiêng liêng. Từ các bài viết, bài nói của Bác toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.