Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ trở thành những thôn kiểu mẫu, làng hạnh phúc
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, 3 khu dân cư Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ phát triển mọi mặt, trở thành những thôn kiểu mẫu, làng hạnh phúc.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm thôn Làng Nủ, nơi 67 người dân bị thiệt mạng do trận lũ. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - nơi vào những ngày đầu tháng 9/2024 xảy ra thảm hoạ lũ quét, sạt lở đất do bão số 3 (Yagi) gây ra làm hàng chục người dân thiệt mạng và mất tích; hàng chục ngôi nhà vùi lấp, cuốn trôi.

Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại Khu tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên và trực tuyến tới các khu tái thiết ở thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng ở huyện Bắc Hà.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Lê Ngọc Quang; Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai.

Trước khi dự Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các nạn nhân và tham quan trưng bày ảnh, hiện vật tại Nhà văn hóa Làng Nủ (cũ) – nơi trận lũ quét kinh hoàng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm đồng bào thiệt mạng tại thôn Làng Nủ. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Những ngày tháng 9/2024, siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Trong đó, tại ttỉnh Lào Cai bão số 3 khiến 139 người chết, 12 người mất tích, 88 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước trên 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tại các thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng lũ quét làm hàng chục người dân thiệt mạng và mất tích; hàng chục ngôi nhà vùi lấp, cuốn trôi.

Thực hiện chỉ đạo, lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cả nước và bạn bè quốc tế đã chung tay khắc phục hậu quả số 3, trong đó có việc tái thiết các khu dân cư thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, tỉnh Lào Cai.

Hai khu tái định cư Làng Nủ và Nậm Tông được xây dựng với nguồn vốn dự án do Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV) tài trợ; còn khu tái định cư Kho Vàng do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tài trợ. Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Trường Sơn) là đơn vị thi công chính. Dự án đã nhận được sự đồng hành, tài trợ ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm như: Binh đoàn 12, Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel), Hãng hàng không Vietjet, Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, hiện vật và gặp người dân có người thân thiệt mạng trong trận lũ quét tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên được khởi công xây dựng ngày 21/9, với 40 nhà ở được xây dựng 2 tầng với diện tích 8x12m, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày cùng các công trình phụ trợ đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài.

Khu tái định cư Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà được khởi công ngày 22/9, với 15 căn hộ được xây dựng, diện tích trung bình khoảng 110 m2/1 căn cùng một số công trình phụ trợ như nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống điện, nước…

Khu vực Tái định cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà được khởi công xây dựng ngày 21/9, với 35 căn nhà được xây dựng, mỗi căn rộng 60m2 cùng nhiều công trình phụ trợ, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của người dân.

Bày tỏ xúc động trở lại Làng Nủ và cùng bà con các thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông chung vui, dự lễ khánh thành những ngôi nhà mới, bản làng mới được tái thiết - một dấu mốc quan trọng, món quà nghĩa tình mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước trao tặng cho bà con trong công cuộc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (Yagi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bão số 3 và hoàn lưu cơn bão đã đi qua, để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh phía Bắc.

Trong đó, Lào Cai là địa phương phải hứng chịu những mất mát, đau thương lớn nhất về người và tài sản. Chỉ riêng ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng đã mất đi tới 84 người, nhiều hộ gia đình không còn một ai sau cơn bão. Đó chính là nỗi đau, là tổn thất không gì bù đắp được.

Thủ tướng cho biết, ngay sau khi cơn lũ đi qua, lãnh đạo Đảng, Nhàn nước đã tới tận nơi để động viên người dân, kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó Thủ tướng chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, yêu cầu đến trước ngày 31/12/2024 hoàn thành tái thiết khu dân cư các thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về việc không được để người dân nào thiếu chỗ ở, bị đói, bị rét và không học sinh nào không được đến trường, cả nước đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả, hồi sinh và tái thiết cuộc sống.

Chỉ 10 ngày sau thiên tai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng hành của các đơn vị tài trợ, các cụm công trình tái thiết trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có 3 khu dân cư: Làng Nủ,  Nậm Tông, Kho Vàng đã được khởi công.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với các đơn vị tham gia xây dựng các dự án tái thiết khu dân cư, bất kể thời tiết; bất chấp địa hình, làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “người có thể nghỉ nhưng máy không nghỉ”, khắc phục mọi thách thức, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”; thần tốc thi công, hoàn thành toàn bộ các Dự án, vượt tiến độ đề ra.

Ngoài xây dựng nhà ở cho bà con, các công trình thiết yếu như trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư đồng bộ. Các công trình mang đậm nét văn hóa bản địa gắn với kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đồng bào tại dự án tái thiết thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay trong những thử thách khắc nghiệt nhất này, đã cho ta nhận rõ 6 ý nghĩa to lớn: Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; tình yêu thương giữa con người với con người; tình đồng chí, nghĩa đồng bào; tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn được khơi dậy và phát huy. Góp phần thực hiện đường lối của Đảng là không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với đó, khẳng định sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân, các cơ quan, đơn vị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm đã thựcn hiện phải có kết quả cụ thể” đúng mục tiêu đến 31/12/2024 hoàn thành các khu tái thiết cho người dân. Góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; chứng minh quan điểm “không gì là không thể; quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để sự sống nảy sinh từ cái chết.

Đánh giá cao việc hoàn thành dự án trước thời hạn yêu cầu, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, cảm ơn và đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai; sự đóng góp, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cá nhân, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt có ý nghĩa dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Với quan điểm đã an cư phải lạc nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thời gian tới, cả nước và tỉnh Lào Cai nói riêng tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tại được ổn định cuộc sống và sản xuất. Trong đó, tại thôn Làng Nũ cùng với bố trí đất sản xuất, cần thiết kế xây dựng đập, ngăn suối biến con suối này thành hồ nhân tạo, vừa tạo cảnh quan và để người dân nuôi trồng thuỷ sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Chính phủ đề án về phòng, chống sạt lở, lũ quét khu vực miền núi, trung du phía Bắc và miền Trung để đảm bảo an toàn, an ninh, an dân các khu vực này. Tỉnh Lào Cai, cùng với khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hện thống chính trị, tiếp tục thúc đẩy để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với kết quả năm sau cao hơn năm trước, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Trong đó, trước 31/12/2025, Lào Cai phải hoàn thành xoá 11 ngàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Đề nghị bà con các thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau ổn định cuộc sống, sản xuất, lao động, học tập, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng, văn minh của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, 3 khu dân cư Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ phát triển mọi mặt, trở thành những thôn kiểu mẫu, làng hạnh phúc.

Nhân dịp này, Thủ tướng trao tặng 150 ngôi nhà cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Sovico và các đơn vị tài trợ. Thủ tướng cũng trao tặng trẻ em tỉnh Lào Cai 200 xe đạp, 200 suất quà và 200 bộ quần áo./.


Tin liên quan

Phục dựng ảnh cho những gia đình ở Làng Nủ

Làng Nủ có thể nói là địa danh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bức tranh đau thương do thảm kịch thiên tai vừa qua gây ra. Hiện việc tìm kiếm nạn nhân mất tích đã chính thức dừng lại. Những ngày qua, cả nước đã cùng chung tay hướng về Làng Nủ với những nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ đau thương, mất mát. Trong đó, một nhóm bạn trẻ đã khởi động dự án Nét ảnh vượt bão, phục dựng những bức ảnh gia đình đoàn tụ để tặng cho những người thân còn lại. Và đằng sau mỗi bức ảnh phục dựng là những câu chuyện nghẹn lòng.

Khánh thành khu tái thiết Làng Nủ: Sự sống nảy sinh từ cái chết

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại Khu tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên và trực tuyến tới các khu tái thiết ở thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng ở huyện Bắc Hà.

Tin cùng chuyên mục

Thắm thiết nghĩa tình quân - dân

Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, tình cảm gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, giành được nhiều thắng lợi. Đặc biệt, trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ quân - dân không chỉ dừng lại ở tình cảm mà còn được hun đúc thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, in sâu trong từng trang sử vàng của dân tộc.

Bài học cũ, bi kịch mới

Sau một loạt những vụ lừa đảo qua sàn forex thời gian qua, vụ án “Tiktoker Mr. Pips” tiếp tục phơi bày những góc khuất đáng báo động trong hoạt động đầu tư tài chính trực tuyến và để lại những bài học, dù không mới.

Tinh gọn trong mỗi cá nhân

Tinh gọn bộ máy, sáp nhập hay chấm dứt hoạt động là những từ khóa “hot” trong toàn bộ máy chính trị hiện nay.

"Trụ cột" giúp Việt Nam vươn tầm quốc tế

Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, trong những năm qua, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào và để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.

2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ông Lăng Đức Quyền (Ling Dequan), nhà nghiên cứu Trung Quốc về các vấn đề Việt Nam, khẳng định năm 2024 là "một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Theo ông, ngoại giao văn hóa là công việc thường xuyên, liên tục, toàn diện và sẽ mang lại nhiều kết quả theo thời gian.

Nhịp cầu kết nối Việt - Lào

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN tại Lào, bà Vansy Soukchaleurn, Phó Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật-Văn hóa, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đã chia sẻ những đánh giá tích cực về các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.