Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, đưa kinh tế vùng biên phía Tây Nam khởi sắc
Nhờ tận dụng tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên và chiến lược phát triển kinh tế hợp lý, Tây Ninh đã thu hút nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực chăn nuôi.
Cây trồng trong những túi đất hữu cơ. 
Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Tây Ninh đang trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ tận dụng tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên và chiến lược phát triển kinh tế hợp lý, Tây Ninh đã thu hút nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực chăn nuôi. Với sự chuyển mình này, Tây Ninh không chỉ cải thiện được chất lượng sản phẩm nông sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mở rộng chuỗi giá trị nông sản và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng biên.

* Hướng đi chiến lược, đột phá

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chiến lược và đột phá, góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn gia tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, Tây Ninh đã thu hút được hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các mô hình sản xuất hiện đại như nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới tiêu tự động. Những dự án từ chăn nuôi cho đến trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao. Sự chuyển biến này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn định hình Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Nông dân vui mừng với những trái cây chất lượng cao được trồng trong nhà lưới. 
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, với việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống nhà màng, nhà lưới, tỉnh đã phát triển thành công 120 ha sản xuất rau thực phẩm, dưa lưới và phong lan hiện đại. Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như tưới phun, tưới bét, tưới nhỏ giọt) cũng được áp dụng trên 115.000 ha đất sản xuất, nâng tỷ lệ tưới tiết kiệm lên 31%. Không chỉ vậy, Tây Ninh còn chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học và thiên địch để phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu, mía... Cơ giới hóa được triển khai đồng bộ trong các khâu từ làm đất, thu hoạch đến vận chuyển, đặc biệt trên các cánh đồng và vườn cây ăn trái. Đáng chú ý, tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận GAP cho 48 cơ sở với diện tích 1.035 ha, cấp 25 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 204 ha, cấp 62 mã số vùng trồng xuất khẩu trên diện tích 1.522 ha, cùng các mã số đóng gói và cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Song song đó, ngành chăn nuôi cũng có những bước tiến mạnh mẽ, chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với hơn 75% trang trại áp dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 587 trang trại tập trung đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, Tây Ninh đã xây dựng được hơn 70 cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh, với hai vùng cấp huyện gồm Tân Châu, Dương Minh Châu được công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, góp phần đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

* Tận dụng thế mạnh, thu hút đầu tư

Dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN đang được tăng tốc xây dựng tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. 
Ảnh: Giang Phương – TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã thu hút được 122 dự án nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 66 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần tăng trưởng ngành chăn nuôi 52% so với năm 2020.

Nổi bật như liên doanh Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai chuỗi dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại Tân Hội với công suất 20 triệu quả trứng/năm. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang mở rộng quy mô trang trại lên 16.000 con bò sữa và xây dựng nhà máy chế biến sữa. Công ty Cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam triển khai xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến hiện đại công nghệ châu Âu; đạt tiêu chuẩn Global GAP. Ngoài ra, Tây Ninh cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án đa dạng hóa ngành công nghiệp chế biến như gỗ MDF giúp nâng cao giá trị và kinh tế địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, để có được kết quả này, ngành đã tận dụng tốt những lợi thế sẵn có. Một trong những lợi thế lớn khi Tây Ninh được thiên nhiên ưu ái và định vị chiến lược như một trung tâm kinh tế mới, trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh có vị trí địa lý vàng khi nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có 240 km đường biên giới giáp Campuchia, 3 cửa khẩu quốc tế và các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng... Những lợi thế này không chỉ giúp Tây Ninh kết nối nhanh chóng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện tại mà còn mở ra cơ hội giao thương với các nước ASEAN. Đặc biệt, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sắp triển khai cũng đem lại nhiều lợi thế cho địa phương.

Hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đang phát huy công năng, đảm bảo nguồn nước ổn định cho 185.000 ha đất nông nghiệp
 Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đang phát huy công năng, đảm bảo nguồn nước ổn định cho 185.000 ha đất nông nghiệp, kết hợp với địa hình bằng phẳng và khí hậu ôn hòa, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi quy mô lớn.

Đặc biệt, Tây Ninh đã thu hút đầu tư nhờ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi. Đến nay, tỉnh đã triển khai 11 chính sách hỗ trợ từ ưu đãi lãi suất vay, chứng nhận GAP, phát triển OCOP đến xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nông dân yên tâm đầu tư.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, hiện nay, liên doanh giữa De Heus và Hùng Nhơn đang triển khai chuỗi 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh. Đây là minh chứng cho cam kết đầu tư bền vững và phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, trong xu hướng kinh tế xanh hiện nay, với việc áp dụng công nghệ hiện đại từ châu Âu, các dự án không chỉ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Tây Ninh, xa hơn nữa là tạo sự đột phá của ngành nông nghiệp cả nước theo hướng cạnh tranh, bền vững với nhiều sản phẩm được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Halal.

“Trong năm 2025, từ trang trại tại Tân Châu, chúng tôi sẽ giới thiệu ra thị trường các sản phẩm trứng sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những bước đi chiến lược của tỉnh Tây Ninh đang góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân, nhất là nơi các dự án được triển khai.

Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. 
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ông Võ Hồng Sang, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện các đề án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện; đồng thời, giúp địa phương phát triển kinh tế, góp phần tạo sự phát triển kinh tế vùng biên trong tương lai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Đây cũng là chương trình trọng tâm, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản địa phương, hướng đến thị trường xuất khẩu. Với việc tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh đang đầu tư mạnh vào thủy lợi, giao thông và hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, hình thành những mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả, với sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tin liên quan

Việt Nam thuộc nhóm tiên phong về phát triển công nghệ có trách nhiệm

Trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã thực hiện một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo rằng sự phát triển AI được định hướng bởi các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Theo đánh giá của trang mạng opengovasia.com (Singapore), việc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tuyên bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI đã củng cố vị thế của Việt Nam như một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng các chính sách AI có trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục

Vùng quê cách mạng Mỹ Phước trên đường đổi mới

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, vùng sâu ngày nào giờ đây đang trên đường đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, người dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.  

Phở bò vào top 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024

Chuyên trang ẩm thực Taste Atlas nổi tiếng thế giới vừa công bố danh sách 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024. Đáng chú ý, đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách là phở bò. Món ăn đứng thứ 93 trong danh sách với 4,44 sao.  

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người

Tối 26/12/2024, tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 năm 2024. Với diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố, có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Công viên trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO lần đầu tiên vào tháng 7/2020.  

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.  

Một số chỉ tiêu về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế; Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử...

Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930-3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).