Tốc độ đường truyền Internet tại Việt Nam liên tục được cải thiện
Tốc độ đường truyền Internet tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đưa nước ta trở thành một trong những nước có hạ tầng viễn thông hiện đại và phát triển nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet i-Speed do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phát triển vừa cập nhật các số liệu mới nhất về tình hình chất lượng Internet tại Việt Nam trong tháng 7/2024.

Đây là hệ thống đo kiểm được xây dựng, phát triển từ năm 2020 dùng để đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam thông qua trải nghiệm người dùng một cách khách quan, chính xác.

Theo đó, tốc độ Internet tải xuống (download) băng rộng di động tại Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt trung bình 54.34 Mbps, tăng nhẹ so với hồi tháng 6/2024 (52.4 Mbps). Tốc độ Internet tải lên (upload) băng rộng di động trung bình đạt 21.19 Mbps, tương đương tháng 6/2024.

Xét ở bình diện rộng hơn, tốc độ Internet di động tải xuống trung bình tại Việt Nam đã giữ đà tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp, kể từ tháng 3/2024. Trong quãng thời gian này, tốc độ download di động đã tăng từ 38.69 Mbps (tháng 3) lên 54.34 Mbps (tháng 7), tương đương khoảng 40%. Tỷ lệ này tăng khoảng 20% với tốc độ upload di động.

Với băng rộng cố định, tốc độ Internet tải xuống trung bình trên cả nước trong tháng 7/2024 là 100.28 Mbps. Tốc độ tải lên trung bình tháng 7/2024 là 102.34 Mbps.

Trong 3 tháng gần đây, tốc độ Internet cố định cả đường lên lẫn đường xuống giữ ở mức ổn định, biến động không đáng kể, ở mức 1%.

Về chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, thống kê của i-Speed cho thấy, nhà mạng Viettel hiện đã vượt lên xếp vị trí thứ nhất về tốc độ Internet di động.

Trong tháng 7/2024, tốc độ download Internet di động của người dùng Viettel trung bình đạt 65.89 Mbps. Tốc độ upload Internet di động trung bình đạt 21.71 Mbps.

Tốc độ, độ trễ mạng BRDĐ trên cả nước

Đứng ở vị trí thứ 2 về tốc độ Internet di động là VNPT (download 52.99 Mbps, upload 21.5 Mbps). Hai nhà mạng di động MobiFone (download 37.19 Mbps, upload 20.59 Mbps) và Vietnamobile (download 10.59 Mbps, upload 3.99 Mbps) lần lượt xếp ở các vị trí thứ 3 và 4.

Ở mảng băng rộng cố định, số liệu thống kê trong tháng 7/2024 cho thấy CMC Telecom hiện không còn dẫn đầu về tốc độ Internet như ở các tháng trước.

Số liệu thống kê về tốc độ download Internet cố định của CMC Telecom đã giảm từ 299.24 Mbps ở tháng 6/2024 xuống còn 74.58 Mbps trong tháng 7/2024. Kết quả này đẩy CMC Telecom xuống vị trí thứ 4.

Nhà cung cấp có tốc download Internet cố định tốt nhất Việt Nam trong tháng 7/2024 là Viettel (128.97 Mbps). Xếp vị trí thứ 2 về tốc độ download Internet cố định là FPT Telecom (100.59 Mbps). VNPT đứng ở vị trí thứ 3 (95.82 Mbps), trong khi SCTV (73.26 Mbps) và Netnam (60.77 Mbps) lần lượt xếp ở vị trí thứ 5 và 6.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố các số liệu về tốc độ dịch vụ truy nhập Internet nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và lợi ích công cộng trong việc cung cấp dịch vụ.

Kết quả công bố cũng tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, điều kiện thực tế. Hoạt động này cũng nâng cao hiệu quả quản lý theo số liệu thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam.

Kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành công bố công khai chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam hồi tháng 4/2024. Tốc độ Internet di động tại Việt Nam đã tăng lên trông thấy (gấp 1,4 lần ở đường xuống, 1,2 lần ở đường lên). Trong khi đó, tốc độ Internet cố định cả đường lên lẫn đường xuống hiện giữ ở mức ổn định.

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khuyến nghị người dân/tổ chức/doanh nghiệp thường xuyên sử dụng ứng dụng i-Speed để đo tốc độ truy nhập Internet. Việc sử dụng ứng dụng đo kiểm i-Speed sẽ hoàn toàn miễn phí, không phát sinh cước phí data.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, Ngành viễn thông Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Các vấn đề như tình trạng đứt cáp, nghẽn mạng trong các giờ cao điểm, chi phí đầu tư lớn và cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp vẫn là những trở ngại cần được giải quyết.

Tuy nhiên, với sự cam kết của Chính phủ và nỗ lực từ các doanh nghiệp, tương lai của tốc độ Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

Việc liên tục cải thiện tốc độ đường truyền Internet không chỉ là một dấu hiệu của sự phát triển công nghệ mà còn là một minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia./.

Tin cùng chuyên mục

Vung Viêng, một trong những làng chài đẹp nhất thế giới

Vung Viêng là một làng chài nhỏ trên vịnh Hạ Long được du khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Theo thống kê của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, từ đầu năm đến nay, Vung Viêng đã đón hơn 39.000 lượt du khách, trong đó, hơn 95% là du khách quốc tế. Vung Viêng được nhiều tạp chí du lịch quốc tế bầu chọn là một trong những làng chài đẹp nhất thế giới. 

Phở Hà Nội: Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến, gắn với tập quán, văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Mới đây, phở Hà Nội đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian.  

Nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Đan võng ngô đồng là một nghề thủ công truyền thống chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của bao lớp cư dân trên đảo gắn bó máu thịt với đất trời, biển rừng, nhẫn nại, kiên trì, mềm mại, chắc chắc. Chiếc võng ngô đồng là một công trình nghệ thuật không chỉ ở hình thái kết cấu mà còn chứa đựng trong đó tình cảm của đất và người giữa đảo xa. Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, nhất là tạo nên những sản phẩm du lịch; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, lòng hiếu khách, chân tình của cư dân vùng biển đảo. Tối 6/8/2024, tại xã đảo Tân Hiệp, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức khai mạc Festival “Cù Lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” 2024 và đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Phở Nam Định - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”. Nam Định hiện có khoảng 300 quán phở, nhiều nhất là thành phố Nam Định và huyện Nam Trực. Ba làng Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được xem là quê hương của phở Nam Định. Phở Nam Định có hương vị đậm đà hơn nhờ cốt nước mắm cá. Nước dùng phở được chế biến từ xương bò ninh nhừ với đầy đủ gia vị như hành khô, gừng nướng đập dập, thảo quả, hoa hồi, quế, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế... Phở bò Nam Định đậm hương thịt bò, phong vị mặn mòi từ nước mắm miền biển. Không có nước mắm ngon thì dẫu có cho bao nhiêu gia vị, mì chính cũng không thể cho ra hương vị phở Nam Định đúng điệu.

Mì Quảng - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian mì Quảng tỉnh Quảng Nam”. Mì Quảng được chế biến từ gạo xay, tráng thành từng chiếc bánh rồi dùng dao thái sợi để chế biến món ăn. Món mì này thường có màu trắng của gạo hoặc màu vàng của hạt dành dành hay nghệ vàng. Sợi mì dẹt, dày hơn so với mì ở các vùng khác. Mì sợi được thái đều và giữ được độ dai mềm khi còn nóng. Người dân xứ Quảng thường lựa chọn các nguyên liệu như thịt gà, heo, tôm, trứng cút, cua, thịt bò, thịt ếch, cá lóc để chế biến. Một bát mì Quảng có thể có một loại nhân thịt hoặc kết hợp của hai hay ba loại để tạo cho dư vị được đậm đà hơn.

“Cầu thang văn hóa” đặc biệt tại Hà Nội

Trong không gian của những nhà tập thể cũ ở phường Nghĩa Tân (Hà Nội), có một khu vực hơn 20 năm nay đã trở thành địa điểm giúp kết nối tình hàng xóm, góp phần nâng cao tri thức cho người dân cũng như bảo vệ khuôn viên cộng đồng. Đó không phải nhà văn hóa cũng không phải thư viện, mà nó có tên gọi rất đỗi thân thuộc - “cầu thang văn hóa”.