Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước
Các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có “phép thuật” để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á...
Toàn cảnh hội nghị. 
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quần chúng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tại gặp mặt, các đại biểu bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương; báo cáo những kết quả đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo của một số lĩnh vực quan trọng như y tế, nông nghiệp, công nghệ cao…; công tác thu hút, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Các đại biểu trí thức, nhà khoa học đã có những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đẳng cấp quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược trong kỷ nguyên mới…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Từ việc tham mưu mở đường cho đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội, từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất ý tưởng, phản biện xã hội, tổ chức thực thi, sáng tạo, tạo ra các ý tưởng, sáng chế, sản phẩm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để lại dấu ấn đậm nét về cống hiến, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu, kết quả mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta đã đạt được trong các giai đoạn cách mạng của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. 
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổng Bí thư nêu rõ, thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại. Với thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, Đảng, Nhà nước, nhân dân đang kỳ vọng, mong chờ sự cống hiến, đóng góp ở quy mô, tầm mức mới, với những bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.

Để đạt được yêu cầu này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, về phía Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học. Bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nội dung Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu trên. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, trước hết là người đứng đầu các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; bảo đảm “thượng tôn pháp luật”, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức. Ban Bí thư chỉ đạo các Ban đảng và các cơ quan liên quan tham mưu, điều phối bảo đảm thực hiện hiệu quả các nội dung này.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu trí thức, nhà khoa học.
 Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổng Bí thư đề nghị, đội ngũ trí thức, nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, gia tăng mạnh mẽ đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đưa nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” như một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học.

Tổng Bí thư mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có “phép thuật” để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030. Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”.

Tổng Bí thư chỉ rõ, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần ý thức sâu sắc trách nhiệm của trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, trách nhiệm trong nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc; trách nhiệm tự đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ trí thức ngày nay tiến bộ, đào tạo thêm trí thức mới, đội ngũ kế cận, tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, tạo động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần định hình tương lai nhân loại và văn minh toàn cầu. Đội ngũ trí thức, nhà khoa học phải trung thực với nhân dân, với Nhà nước, trung thực với chính bản thân mình, nỗ lực phấn đấu, trung thực trong khoa học và sáng tạo bằng khả năng và vượt khả năng của mình, thậm chí “vượt lên trên chính mình” nhằm phục vụ nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước; biết phản biện và dám phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu trí thức, nhà khoa học. 
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổng Bí thư đề nghị, không ngừng củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong điều kiện mới và thu hút trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài góp phần phát triển đất nước; tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tổng Bí thư yêu cầu, quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhà giáo trước hết phải là các nhà khoa học, nhà trí thức; có kế hoạch đào tạo các nhà khoa học hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng yếu hiện nay như: Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, lượng tử, y sinh học... khuyến khích các nhà khoa học tự do khám phá, nhất là ở những khoảng trống, hoang vu của khoa học. Gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại. Hoàn thiện luật và quy định về sở hữu trí tuệ, thành tựu đổi mới sáng tạo, những thành tựu đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại. Hoàn thiện thể chế, ứng xử nhất quán về phát triển khoa học công nghệ phù hợp cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, đặc thù của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo...

Để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học - những người tiên phong nòng cốt tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo gia tốc cực đại cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới./.

Tin liên quan

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc

Hướng tới Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2025), chiều 29/12, tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc; dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tin cùng chuyên mục

Những thách thức từ bức tranh dân số Việt Nam

Mức sinh thấp, chênh lệch giới tính, chênh lệch tỷ lệ sinh giữa các vùng miền và già hóa dân số đang nổi lên là những thách thức lớn đối với bức tranh dân số Việt Nam. Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trẻ trong độ tuổi lao động cũng giảm theo, trong khi số người cao tuổi lại tăng nhanh khiến giai đoạn “dân số vàng” kết thúc sớm, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn hơn. Đây chính là bài toán phức tạp mà Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra lời giải để đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.

Nhận diện: Luận điệu xuyên tạc, hạ uy tín khi Việt Nam tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền

Vừa qua, phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Việc tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 – 2028 khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế, cũng như sự ghi nhận đối với thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của đại diện Việt Nam, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội của các tổ chức thù địch, phản động lưu vong đã tung ra nhiều bài viết công kích, xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc

Hướng tới Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2025), chiều 29/12, tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc; dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là địa phương sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tiền Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,87%

Tiền Giang phấn đấu tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%.