Triển vọng thương mại Canada-Việt Nam sau 30 hợp tác
Nhằm tiếp tục triển khai các dự án hợp tác phát triển nhân kỷ niệm 30 năm công tác hỗ trợ phát triển của Canada với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Bộ trưởng Phát triển quốc tế Ahmed Hussen.
Đoàn công tác Đại sứ quán Canada tại Việt Nam thăm mô hình sản xuất chè Đông Phương Mỹ Nhân tại đồi chè xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Lai Châu. 
Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng Hussen đã nhấn mạnh về vai trò của cộng đồng người Việt tại Canada trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và những triển vọng mới để cộng đồng người Việt ở Canada và các doanh nghiệp người Việt cũng như các doanh nghiệp Canada có thể tham gia vào những dự án ý nghĩa này ở Việt Nam.

Hỗ trợ phát triển của Canada dành cho Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990. Cho tới nay, với gần 200 chương trình có số vốn lên tới 1,35 tỷ USD, các dự án của Canada đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá-hiện đại hoá của Việt Nam. Các dự án không chỉ giúp cải thiện sinh kế của người dân mà còn trang bị năng lực cho nhiều nhóm dân cư, cộng đồng và địa phương để hướng đến mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

Bên cạnh các nhóm dự án tập trung vào phụ nữ và nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhóm dự án nâng cao năng lực quản trị quốc gia, điểm sáng của hỗ trợ phát triển chính thức của Canada là việc tham gia giúp người dân Việt Nam chia sẻ kiến thức, kỹ năng và hàng hoá của mình với thế giới. Nhiều cải tiến trong sản xuất lúa giống, lạc, bưởi, bò sữa, lợn và các loại cây trồng vật nuôi khác đã giúp cải thiện rõ rệt thu nhập các hộ gia đình nông thôn nơi tiếp nhận dự án.

Các dự án của Canada trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ giúp các hộ sản xuất vừa và nhỏ cải thiện thực hành nông nghiệp, kết nối để tăng quy mô và khả năng ảnh hưởng trên thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận với thị trường quốc tế. Các chuyên gia Canada cũng hỗ trợ xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản và thực phẩm, giúp rà soát lại toàn bộ các thực hành về an toàn thực phẩm ở Việt Nam và xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững, đáp ứng các yêu cầu chất lượng của thị trường nước ngoài.

Trong những năm gần đây, để hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam và chống biến đổi khí hậu, Canada đã có nhiều dự án thiết thực nhằm hỗ trợ chúng ta bảo vệ môi trường, quản lý ô nhiễm, quan trắc khí thải…. Canada cũng là một đối tác lâu năm trong việc xây dựng năng lực quản lý ô nhiễm công nghiệp cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững. Canada cũng là nguồn kinh nghiệm về công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao và nguồn cung ứng tài chính xanh... giúp hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế xanh.

Đầu năm 2024, Bộ trưởng Hussen đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tới thăm trên cương vị mới, thể hiện việc quan tâm tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đang được coi là đối tác ưu tiên của Canada và đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quốc gia này.

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Hussen đã thông báo việc Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khoảng 30 triệu USD cho các dự án hướng tới tăng trưởng bền vững, giúp Việt Nam mở rộng thương mại, đầu tư, tăng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, xây dựng một tương lai xanh và bền vững.

Với tiềm lực, kinh nghiệm của mình, các dự án hỗ trợ phát triển của Canada giai đoạn tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Theo Bộ trưởng Hussen, các hoạt động hỗ trợ phát triển có thể mang lại những cơ hội và tiềm năng hợp tác thương mại cho các doanh nghiệp hai nước và cần gắn kết doanh nghiệp và khu vực tư nhân với các mục tiêu tăng trưởng xanh và cam kết phát thải ròng bằng không của hai nước./.

Tin liên quan

Việt Nam – Campuchia hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp

Các lĩnh vực hợp tác chính mà hai bên đã thống nhất gồm: chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, thương mại lâm sản; nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao năng lực ở các cấp về lâm nghiệp...

Tin cùng chuyên mục

Xã thuần nông làm theo Bác

Sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu đã giúp các chủ trương, nghị quyết được triển khai bài bản, sâu rộng và nhanh chóng kịp thời đến với mọi người dân trong xã.

Dấu ấn ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mắt bạn bè quốc tế

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc ‘cây tre Việt Nam’, ‘gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển’,... thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””

Sự ra đời của cuốn sách càng cho thấy, Đảng ta luôn coi đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, có vai trò và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.