Theo kế hoạch được công bố, bên cạnh trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, Việt Nam cũng sẽ phát triển một trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương này tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu đề ra.
Tờ Infobae đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển các trung tâm tài chính này, dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 470 tỷ USD, đưa đất nước lên vị trí thứ 33 hoặc 34 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tham vọng ít nhất 8% vào năm 2025 và hướng tới tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Infobae đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cho thấy sự phát triển ấn tượng với tổng giá trị đạt hơn 283 tỷ USD trong năm 2024. Điểm đáng chú ý là Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với 65 quốc gia, thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 800 tỷ USD, một con số đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định, an ninh xã hội được đảm bảo và cuộc sống thanh bình.
Bài viết trên Infobae cũng nhấn mạnh lợi thế địa lý của Việt Nam khi nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á - một trong những khu vực năng động và đổi mới nhất thế giới. Việc khánh thành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP. HCM được xem là bước tiến quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông đô thị, phục vụ nhu cầu di chuyển của gần 9 triệu dân thành phố./.
Diệu Hương