Nhân dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy tham gia phát triển giao thông nông thôn. |
Ảnh tư liệu: TTXVN |
Nằm bên bờ Bắc sông Tiền, xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) từng là căn cứ kháng chiến vững chắc trong suốt những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trước ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nơi đây từng được coi là vùng trắng, nơi oanh kích tự do, bom đạn trút xuống không biết bao nhiêu mà kể, nhưng trong những giai đoạn khó khăn nhất, người dân vẫn bám đất, giữ làng, một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác, đóng góp sức người, sức của, hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của nước nhà...
Tích cực xây dựng nông thôn mới
Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Đức ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và giảm nghèo nông thôn. Thế mạnh về sản xuất nông nghiệp được phát huy theo hướng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu trồng trọt – chăn nuôi, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: sầu riêng, bưởi da xanh… Bên cạnh đó, địa phương mở mang thương mại – dịch vụ, ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.
Toàn xã hiện có gần 600 ha vườn cây ăn trái chuyên canh, chủ lực là sầu riêng, 100% diện tích vườn tạp đã được cải tạo thành vườn chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định và nâng cao mức sống. Nhiều hộ giàu lên nhờ vườn cây ăn quả chuyên canh.
Hướng đến xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đặc sản, Hiệp Đức đã xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng được cấp 9 mã số vùng trồng trên tổng diện tích vườn đang cho trái gần 570 ha. Trong đó, có gần 11 ha sản xuất sầu riêng an toàn đạt chứng nhận VietGAP.
Với lợi thế có đường Tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền), đường lộ Giồng Tre kết nối giao thương liên vùng, thương mại dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp địa phương khởi sắc với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh lớn, nhỏ tập trung tại chợ Hiệp Đức và các tuyến giao thông, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thời vụ với thu nhập ổn định.
Gần đây, việc huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới là mục tiêu hàng đầu mà Hiệp Đức đeo đuổi trong hàng chục năm qua mang lại những thành công rực rỡ.
Khen thưởng các cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Hiệp Đức (huyện Cai Lậy). |
Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Cùng với cải tạo vườn tạp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuếch trương thương mại – dịch vụ - ngành nghề, xã định hướng phát triển kinh tế tập thể kiểu mới trong nông nghiệp, tập hợp nông dân, xây dựng sản phẩm OCOP, liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa và xúc tiến thương mại cho nông sản trên nền tảng số.
Xã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức thu hút 111 thành viên với tổng vốn điều lệ gần 1,1 tỷ đồng. Hiện, hợp tác xã tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân: cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu,… Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng 25 tấn phân bón cho bà con, tiêu thụ khoảng 1.100 tấn nông sản xuất khẩu… Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là sầu riêng trái tươi và sầu riêng sấy tham gia thị trường. Các sản phẩm còn được bán qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 80,1 triệu đồng/năm, cao hơn gần 1 triệu đồng so với tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,05%.
Nỗ lực thay đổi diện mạo nông thôn
Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân địa phương tiếp tục hưởng ứng sôi nổi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, người dân ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức vui mừng chia sẻ, xác định xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của quần chúng, phát huy phương châm hành động “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, bà con tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Người dân cùng nhau chung sức làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hiến đất làm đường và kiện toàn cơ sở hạ tầng nông thôn, đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dọc theo các tuyến đường nông thôn bảo đảm “sáng, xanh, sạch, đẹp”...
Kinh tế phát triển giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Diện mạo miền quê nghèo không ngừng thay đổi, giàu đẹp lên, là nhân tố giúp xã đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Ấp Hiệp Quới được chọn xây dựng mô hình ấp thông minh để lan tỏa ra toàn xã. Thông qua ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, các sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Việc lắp đặt mạng internet được đầu tư nâng cấp giúp bà con thuận tiện sử dựng nhiều tiện ích. Giờ đây, điện thoại thông minh phổ biến ở vùng nông thôn sâu, giao dịch không dùng tiền mặt trở thành thói quen hằng ngày của người dân Hiệp Đức… Điều đó mở ra cơ hội phát triển mới cho miền đất thuần nông thuở nào.
Ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu Hiệp Đức (huyện Cai Lậy). |
Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân trong quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới trên quê hương cách mạng, năm 2018, Hiệp Đức được công nhận và ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ba năm sau (năm 2021), xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến tháng 11/2024, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trong niềm vui chung của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân – những người nông dân trung kiên, chí cốt cách mạng, luôn phát huy truyền thống hào hùng trong xây dựng quê hương giàu đẹp hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết, để ra mắt thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2024, địa phương đã huy động các nguồn lực trên 131 tỷ đồng kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn; trong đó riêng nhân dân đóng góp trên 58,5 tỷ đồng, chiếm đến 44,62% tổng kinh phí.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức khẳng định, thời gian tới, Hiệp Đức tiếp tục vận động nhân dân phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, xã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát huy hơn nữa các tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề vì một xã nông thôn mới kiểu mẫu mạnh bước trên con đường vươn lên phồn vinh, thịnh vượng./.