Từ đại thắng đến đại công trình, hạ tầng kiến tạo tầm vóc quốc gia
Trong không khí hào hùng những ngày cả nước đang hướng tới 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm trên cả nước ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và các đại biểu gắn biển công trình Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Với dấu ấn tháng Tư lịch sử, đây như một hồi trống, là thông điệp chiến lược đánh dấu bước tiến mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, tạo đột phá đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, nâng tầm vóc kiến tạo quốc gia.

Như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đầy tự hào, việc khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh. Đây là những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.

Hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, cùng với thể chế và nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".

Và để đạt mục tiêu đó, một trong ba đột phá chiến lược được xác định là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm. Theo đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế để tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo; tập trung sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Và, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là phải tập trung nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các dự án trọng điểm Quốc gia và công trình lớn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng đã chỉ ra, việc khởi công, khánh thành các công trình, dự án có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong kết nối nội tỉnh, nội vùng; liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, liên quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. "Đây sẽ là những điểm tựa, đòn bẩy góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng nêu rõ.

Trong số các công trình, dự án này, 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được khánh thành đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch kỳ vọng tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm 2025. Cùng với đó, 5 Dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km… Đồng thời, 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước cũng được khởi công mới.

Các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, tạo ra tác động lan tỏa, rút ngắn chi phí logistics, thúc đẩy kết nối vùng, tạo cực tăng trưởng mới...

Việc khánh thành và khởi công các công trình mang ý nghĩa chiến lược đã hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, bao trùm, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng và không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng cho các địa phương, các vùng miền và cả nước; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hạ tầng còn là kênh hấp dẫn đầu tư, nâng vị thế quốc gia, tăng sức hút FDI, định vị Việt Nam là điểm đến sản xuất – trung chuyển chiến lược. Các công trình mang tính biểu tượng không chỉ phục vụ dân sinh mà còn là "bộ mặt" của quốc gia – nâng hình ảnh Việt Nam hiện đại, năng động. Các công trình không chỉ mang giá trị kinh tế, không chỉ là việc phát triển hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Việc chọn thời điểm kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam để khởi công, khánh thành đồng loạt các dự án, công trình lớn, trọng điểm mang ý nghĩa sâu xa, biến tinh thần "thần tốc, táo bạo" của những ngày tháng Tư lịch sử như Thủ tướng đã nêu thành kết quả trong thực tế. Các công trình hôm nay sẽ là bệ phóng cho nền kinh tế nếu được hiện thực hóa đúng tiến độ, chất lượng và được vận hành hiệu quả. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến doanh nghiệp, từ Trung ương đến địa phương, để các công trình có những bước tiến nhanh, khẩn trương, chuyển tinh thần "thống nhất" thành hành động, tạo kết quả, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Tin liên quan

Ngày 17/4/2025: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khai thác chuyến bay đầu tiên

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất - công trình trọng điểm mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông đô thị. Ngày 17/4/2025, sân bay khai thác chuyến bay đầu tiên tại nhà ga T3.

Triển khai nhận diện sinh trắc học tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; dự Lễ công bố và thực hiện nghi thức triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay - Công trình quan trọng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh biến động thuế quan

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.

Tăng tốc đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định, đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến xem xét lại thuế đối ứng sau 90 ngày thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD trong năm nay.

Thủ tướng dự chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” tại Tây Ninh

Tối 19/4, tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Công an Trung ương (Bộ Công an) phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận “Ký ức để lại”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 65 năm Ngày thành lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các địa phương.

Hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau sáp nhập

Nhằm bảo đảm công tác quản lý đất đai được thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh cả nước đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành văn bản số 911/BNNMT-QLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chi tiết về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên.

Triển khai nhận diện sinh trắc học tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; dự Lễ công bố và thực hiện nghi thức triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay - Công trình quan trọng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).