55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường
"Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường". Đây là những chia sẻ chân thành của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh – Tứ Xuyên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cao đẹp hiến dâng cho sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc, đưa đất nước hướng tới độc lập, tự do, sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương đất nước một tình cảm vô cùng sâu đậm, tha thiết. Dẫu có đi đâu, ở đâu, làm gì, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đau đáu trong tim hình ảnh Bác, hình ảnh quê hương Việt Nam thân yêu, một lòng hướng về Tổ quốc. Như câu nói Bác đã từng khẳng định: “Quê hương nghĩa nặng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng là người đặt nền tảng vững chắc cho mối liên kết giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Từ góc nhìn của người đã hơn 13 năm sống ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan đánh giá Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đã có những chính sách mang tính tiếp nối truyền thống, phù hợp, đúng đắn và nhất quán về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối kiều bào với đồng bào trong nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và đường lối chính sách phù hợp giúp bà con kiều bào ở nước ngoài an tâm sinh sống, làm việc và học tập tại nước sở tại, ngày càng có những cái nhìn tích cực hơn, thêm tin tưởng và tự hào về quê hương, hướng về đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, vô cùng trân trọng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã luôn dành tình cảm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của sở tại mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với sự gần gũi về địa lý và văn hoá, Trung Quốc là một trong những đất nước có đông đảo người Việt sinh sống, hiện tại số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc và du học ở Trung Quốc ngày càng tăng (khoảng trên 500.000 người). Người Việt tại Trung Quốc phần lớn hiện có cuộc sống tương đối ổn định, ngày càng có điều kiện phát triển tốt hơn ở nước sở tại, trong đó nhiều người đã làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, nhiều người mong muốn trở về nước để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và đóng góp thiết thực cho quê hương, tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn và quan hệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, trở thành "lực đẩy" quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh. Cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc luôn ý thức rõ về vai trò cầu nối của bản thân trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Trung, không ngừng phát huy những lợi thế riêng của bản thân, làm đầu mối quan trọng trong việc kết nối chuyển giao khoa học công nghệ, kết nối kinh tế, thương mại, quảng bá hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tại nước sở tại, cũng như đầu tư phát triển các dự án kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong quá trình sinh sống và học tập tại Trung Quốc, việc kiều bào hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, thường xuyên tiếp xúc với người Trung Quốc và tham gia các chương trình trao đổi giao lưu văn hóa, giáo dục, xúc tiến thương mại… cũng là trực tiếp đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung.

Là một trong số gần 600 đại biểu đại diện cho cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, bà Nguyễn Thị Lan bày tỏ vinh dự và gửi lời cảm ơn tới Ban Lãnh đạo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao, các cơ quan trong nước đã tổ chức hội nghị, cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bà nhấn mạnh cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 là cơ hội quý báu cho bà con người Việt ở nước ngoài cập nhật thông tin về tình hình quê hương đất nước, hiểu biết hơn nữa về công tác người Việt ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước, qua đó gợi mở cho kiều bào hướng đi mới, yêu cầu mới cũng như cách làm mới để đóng góp thiết thực hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước chung của mỗi người con Việt Nam./.

Thành Dương

Tin cùng chuyên mục

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức của người dân Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất, hiện thân cho những đức tính cao đẹp nhất của một người cộng sản chân chính. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, lòng nhân ái bao dung và sự giản dị không chỉ của người Việt Nam, mà còn cả đối với cả cộng đồng thế giới. Đây là chia sẻ chung của giới chuyên gia, học giả và cán bộ Lào về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tự tin tiến vào kỷ nguyên mới

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định chính trị, trật tự xã hội, không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò và vị thế của mình ở khu vực và quốc tế. Đây không chỉ là nhận định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka G. Weerasinghe mà còn là ý kiến chung của nhiều chính khách, học giả nước ngoài, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII kiện toàn chức danh Tổng Bí thư.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Văn kiện lịch sử quan trọng chỉ ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử quan trọng, chỉ ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh niềm hy vọng của Người đối với đất nước và thế giới. Nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, Kyril Whittaker, đưa ra nhận định trên trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: "Vũ khí thần kỳ" giúp Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết tỉ mỉ kinh nghiệm cách mạng cả cuộc đời của Người, là lời dặn dò sâu sắc đối với những người kế tục cách mạng Việt Nam và có thể nói là tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc thực hiện tư tưởng và Di chúc của Người là "vũ khí thần kỳ” giúp Việt Nam không ngừng đạt được thành công và giành thắng lợi trong thời đại ngày nay. Đây là chia sẻ của ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Tân Hoa xã tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Quốc.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản ghi nhớ hai chữ “đồng bào”

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai chữ “đồng bào” vang lên giản dị những chứa đựng biết bao tình cảm, nhất là đối với những người Việt Nam ở nước ngoài luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, đất nước. Đó là chia sẻ của bà Đặng Thái Minh, Chánh Văn phòng Hội doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản với phóng viên TTXVN tại Tokyo.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Trường tồn tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người

“Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nội dung sâu sắc, gói gọn trong chân lý: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Luật sư Trịnh Quốc Thiên cũng là một nhà biên khảo lịch sử Việt Nam đã mở đầu câu chuyện về Bác Hồ khi chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Người.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Đồng lòng từ Singapore hướng về đất nước và thực hiện tốt Di chúc của Bác

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hai ngày 1-2/9, đông đảo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và các cơ quan bên cạnh cùng đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore đã đến dâng hoa tượng Bác tại Bảo tàng Văn minh châu Á. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm nhắc nhở và nuôi dưỡng sự biết ơn của thế hệ sau đối với công lao đấu tranh và xây dựng đất nước của thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Tinh thần cống hiến cho đất nước luôn là tấm gương sáng cho người dân Việt Nam

Tư tưởng cách mạng kiên định, phong cách quả cảm và đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Đó là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình (Cheng Hanping), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Đại Học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc) khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc liên quan đến 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.

55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Khám phá dấu chân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, tại số nhà 248 và 250 ở đường Văn Minh, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có hai ngôi nhà kết cấu gạch và gỗ ba tầng. Đây là di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Quảng Châu. Đây cũng chính là nơi quan trọng chứng kiến tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời trở thành địa điểm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm lựa chọn bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc.