Đánh giá về ý nghĩa của Hiệp định Geneva, ông Alain Ruscio cho rằng hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng vì đã khẳng định chiến thắng của Việt Nam và sự tan rã của quân đội Pháp, khiến họ không thể tiếp tục cuộc chiến, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh, với sự tham gia của các bên. Ông Alain Ruscio nhấn mạnh: “Hiệp định này cho phép chấm dứt cuộc chiến tranh, điều này rất quan trọng và đáng ra là một điều may mắn với Việt Nam. Nhưng đáng tiếc hiệp định này cũng khởi đầu cho các hành động can thiệp quân sự và tiếp theo là cuộc xâm lược của Mỹ vào Việt Nam từ sau 1954, sau khi từ chối tổng tuyển cử, khiến cho đất nước này một lần nữa phải chịu đau thương”.
Nói về sự ủng hộ của nhân dân Pháp đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhà sử học Alain Ruscio cho biết ban đầu cuộc chiến tranh Đông Dương ít được biết đến ở Pháp. Đối với người dân Pháp lúc bấy giờ, chiến tranh Đông Dương giống như cuộc chiến của những người lính chuyên nghiệp ở nơi tận cùng của thế giới, do đó họ ít quan tâm đến nó. Tuy nhiên, vẫn có một phần nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền khi đó tiến hành ở Đông Dương. Ban đầu họ vận động dư luận rất vất vả vì các tờ báo France Soir, Paris Match, L’Aurore, Le Figaro ủng hộ chính quyền thực dân nên tuyên truyền mạnh mẽ về cuộc chiến tranh này. Để chống lại xu hướng này, cần phải có sự dấn thân của những con người dũng cảm, trong đó đi đầu là Đảng Cộng sản Pháp. Các đảng viên Cộng sản được coi như nhân tố mũi nhọn thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh này. Sau này, bên cạnh họ còn có sự tham gia của các lực lượng khác như nhóm Jean-Paul Sartre, các nhà báo tòa soạn Observateur, lực lượng Thiên chúa giáo cánh tả, tất cả đã tạo nên làn sóng dư luận của đông đảo nhân dân Pháp ủng hộ hòa bình. Điều này đã góp phần vào chiến thắng của Việt Nam. Nhưng theo ông Alain Ruscio nhân tố quyết định Hiệp định Geneva vẫn chính là chiến thắng của quân và dân Việt Nam ở chiến trường.
Nhìn tổng thể, nhà sử học Pháp cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có thể mang lại bài học kinh nghiệm và một kết luận quan trọng có ý nghĩa cho đến ngày nay, đó là: “Chiến tranh không thể khiến một dân tộc quỳ gối dù nó có thể khiến dân tộc đó phải chịu nhiều đau thương trong 10-20 thậm chí 30 năm”. Ông khẳng định: “Ngay cả khi bị đàn áp dã man, dân tộc đó với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và tự do của mình sẽ không bao giờ bị khuất phục. Chúng ta không thể giết chết suy nghĩ và lý tưởng của một dân tộc dù có dùng bom đạn, thậm chí sử dụng nhiều bom đạn để khuất phục họ”.
Cũng theo nhà sử học Pháp, từ Hiệp định Geneva, Việt Nam có thể rút ra một bài học kinh nghiệm khác, đó là “muốn giải phóng hoàn toàn đất nước, trước hết phải dựa vào sức mình, tự mình lãnh đạo đấu tranh, đồng thời cần có sự giúp đỡ, chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa”. Đáng giá về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà sử học Pháp nhấn mạnh: “Việt Nam đã may mắn có được Hồ Chí Minh, một con người biết kết hợp giữa khát vọng yêu nước và đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.
Từ những năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, có lúc còn có tên gọi khác là Đảng Cộng sản Đông Dương, đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc. Cách mạng Tháng Tám không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của cuộc đấu tranh. Thêm vào đó, những người cộng sản Việt Nam, như Hồ Chí Minh cũng như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh một cách khéo léo và thông minh. Những người Việt Nam yêu nước đều đi theo sự lãnh đạo của họ”./.
Thu Hà