Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đánh giá tích cực những tiến bộ của Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Thụy Sĩ, ngày 18/9 , Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển - ông Surya Deva đã có phiên đối thoại với các nước về các hoạt động của mình trong năm vừa qua, trong đó, ông đánh giá tích cực những tiến bộ của Việt Nam trong phát triển kinh tế, triển khai các chương trình an sinh xã hội.

Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-15/11/2023, Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã cảm ơn sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan và các tổ chức liên quan trong suốt chuyến thăm; khẳng định đã chứng kiến những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế, triển khai các chương trình an sinh xã hội. Ông cũng khẳng định Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo. Ông cũng đánh giá cao cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều của Chính phủ Việt Nam.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển. Việt Nam luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng. Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Đây cũng là điều mà Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã trực tiếp chứng kiến, lắng nghe trong chuyến thăm của mình đến Việt Nam. Việt Nam cho rằng chuyến thăm đã diễn ra thành công và đánh giá cao đối thoại mang tính xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin về hiện thực hóa quyền phát triển và các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam. Việt Nam cũng đánh giá cao quan điểm tích cực của Báo cáo viên đặc biệt về những thành tựu, cam kết và tầm nhìn của Việt Nam trong việc phát triển toàn diện quốc gia, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và đảm bảo sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của người dân trong quá trình phát triển.

Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho người dân tham gia và đóng góp vào mọi quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi” là những nguyên tắc quan trọng, được thể chế hóa và hiện thực hóa thông qua nhiều khuôn khổ trong nước.

Đại sứ Mai Phan Dũng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững, bao gồm ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế xanh và tuần hoàn; tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu; hoàn thiện các thể chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính công; thúc đẩy sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương vào quá trình ra quyết định; tiếp tục cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững; cải thiện tính khả dụng của dữ liệu để tăng cường giám sát tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững; và huy động tất cả các bên liên quan cũng như hợp tác với các đối tác để đạt được các Mục tiêu cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Cuối cùng, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định sự ủng hộ đối với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển và mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc trong thời gian tới./.

Anh Hiển – Văn Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Thực thi các FTA thế hệ mới: 7 khuyến nghị về phòng vệ thương mại

Ngày 17/9, Bộ Công Thương tổ chức khai giảng Khóa đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cho các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, từ đó hỗ trợ tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các FTA.

Cứu trợ 'ba đúng'

“Đúng người, đúng thứ cần, đúng thời điểm” – là những yếu tố đảm bảo những chuyến hàng cứu trợ hay những món tiền từ thiện, mang được trọn vẹn nhất, hiệu quả nhất sự san sẻ và tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội quốc tế FIATA 2025

Theo tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Đại hội quốc tế FIATA (FIATA World Congress) năm 2025 (FWC 2025) - sự kiện của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế, đã được Bộ Công Thương cho phép tổ chức nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

79 năm Thông tấn xã Việt Nam: Những mốc son tự hào

Ngày 15/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam) được phát đi toàn thế giới bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh - đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), hãng thông tấn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trải qua 79 năm phát triển (15/9/1945 - 15/9/2024), Thông tấn xã Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng thông tấn Nhà nước, cung cấp kịp thời thông tin trong nước, quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 17/9, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Lào Malaythong Kommasith, cùng các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Timor Leste.

TTXVN nhấn mạnh nguyên tắc đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Liên bang Nga, Đoàn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) do Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung dẫn đầu ngày 15/9 đã tham dự cuộc họp lần thứ 53 Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) để thảo luận về các khía cạnh đạo đức của truyền thông hiện đại, đặc biệt là trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).