Chuyển đổi số: Động lực mới cho Việt Nam tăng trưởng
Các địa phương đã tích cực hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, tạo động lực mới cho Việt Nam tăng trưởng.

Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều chương trình truyền thông về ngày chuyển đổ số với mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các địa phương đã tích cực hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, tạo động lực mới cho Việt Nam tăng trưởng.

• Tích cực hưởng ứng

Năm 2024, chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Giữa tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ban hành và cung cấp miễn phí bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia (https://dx.gov.vn.). Từ ngày 15/9 đến hết tháng 10/2024, các bộ, ngành, địa phương tiến hành phát động, tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần đảm bảo phù hợp với mục đích, ý nghĩa, tinh thần cũng như chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Thành phố Đà Nẵng hôm nay. 
Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Là địa phương đứng đầu ở 3 lĩnh vực: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số trong bảng xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI (do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện), những tuần qua, tại Đà Nẵng, hoạt động hưởng ứng ngày chuyến đổi số diễn ra mạnh mẽ, sôi động. Mục tiêu chính là tuyên truyền, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và nhận thức số cho các đơn vị, doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng.

Tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã diễn ra Ngày hội chuyển đổi số năm 2024 với chủ đề “Tận dụng cơ hội, sáng tạo để phát triển” hướng đến việc quảng bá và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo cơ hội hợp tác giữa các đơn vị và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số. Quận Hải Châu đã phối hợp với những doanh nghiệp nổi bật về chuyển đổi số (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chi nhánh Đà Nẵng; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chi nhánh Đà Nẵng; Công ty cổ phần Công nghệ FiveSS; Công ty cổ phần Note AR… để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ số đến từng cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn quận. Đây là cầu nối để các doanh nghiệp, đơn vị tăng cường, thúc đẩy hợp tác hướng đến xây dựng, phát triển hệ sinh thái số, thành phố thông minh.

Nhiều quận huyện tổ chức các hoạt động hướng đến Ngày Chuyển đổi số như: Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và nâng cấp thuê bao di động từ công nghệ 2G, 3G lên 4G/5G; Hướng dẫn cài đặt chữ ký số; Sinh hoạt chuyên đề về xã hội số; Hội nghị truyền thông, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân kỹ năng số…

Đáng nói, việc xây dựng chính quyền số được Đà Nẵng đặc biệt chú trọng. Theo đó, các quận đẩy mạnh sử dụng nền tảng số để quản lý, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ, quản lý tình trạng các kết quả; quản lý văn bản số hóa; trang bị hệ thống quản lý camera và phân tích hình ảnh, video thông minh; đặt loa thông minh; ứng dụng phần mềm trợ lý ảo trong thực hiện một số thủ tục hành chính; thực hiện lưu trữ dữ liệu đám mây...

Khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng. 
Ảnh: Văn Dũng- TTXVN

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ: Mới đây, Đà Nẵng vừa nhận được 2 giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards 2024) ở hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc cho giải pháp Hệ thống Giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng và Nền tảng Giám sát hành trình số. Đây là niềm tự hào, sự ghi nhận cho những nỗ lực của chính quyền và người dân Đà Nẵng.

Ông Quang Thanh cho biết, hiện nay, 95% các dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đã Nẵng đã hoàn thành. Đà Nẵng quyết tâm đưa công nghệ số vào để gỡ khó. Mục tiêu đến đầu năm 2025, thông qua cơ chế thí điểm để giải quyết 5% còn lại và đưa 100% dịch vụ công trực tuyến của thành phố Đà Nẵng lên môi trường số.

Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội số và xác định lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Ông Hoàng Văn Bằng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng chia sẻ, triển khai kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”. Mục đích là hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng chữ ký số công cộng; mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên internet...

Đoàn viên, thanh niên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn tiểu thương sử dụng mã QR code.
 Ảnh minh họa: Đồng Thúy -TTXVN

Khi sử dụng các phần mềm, các nền tảng ứng dụng trên các trang mạng, các sàn thương mại điện tử, mua bán hàng trực tuyến cũng như trên zalo, facebook... là người dân đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Do đó, Lâm Đồng khuyến khích người dân tạo lập các tài khoản dịch vụ công để xây dựng chính quyền điện tử; Từng bước thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt; Tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và phát triển các sản phẩm nông sản đủ điều kiện để đưa lên sàn thương mại điện tử.

Năm 2024, tỉnh Sơn La xác định bứt phá cùng chuyển đổi số với trọng tâm là: Số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã.

Để thúc đẩy chuyển đổi số tại một tỉnh còn nhiều khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh để cung cấp dịch vụ viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân tại các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

* Tăng bậc vượt mục tiêu

Với những nỗ lực từ chính phủ, các bộ, ngành, địa phương người dân và các doanh nghiệp, thời gian qua, việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu đạt được nhiều kết quả.

Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính.
 Ảnh minh họa: Quốc Khánh- TTXVN

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2024 của Liên hợp quốc công bố cuối tháng 9/2024,  Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với năm 2022 và 2020, Việt Nam đã tăng 15 bậc. Với điểm chỉ số là 0,7709/1, đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có chỉ số Chính phủ điện tử ở mức “Rất cao”. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei vươn lên vị trí thứ 5/11 (tăng 1 bậc so với năm 2022 và hiện đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia).

Theo xếp hạng mới này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số chính phủ điện tử, chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc. Từ đó, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mang đến những thay đổi căn bản trong cuộc sống và lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Hà Nội - Dấu ấn 25 năm Thành phố vì Hòa bình

Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. 25 năm trôi qua, Hà Nội đã không ngừng phát triển, mạnh mẽ vươn lên, đạt những thành tựu đáng tự hào.

Thương hiệu gạo Việt Nam thứ hai chinh phục thị trường Nhật Bản

Ngày 9/10 đã diễn ra “Sự kiện ra mắt Sản phẩm Gạo thương hiệu Việt Nam thứ hai tại thị trường Nhật Bản”. Việc ra mắt dòng sản phẩm thứ hai, sản phẩm gạo Japonica – AAN, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản quốc gia, tự tin chinh phục những thị trường khó tính trong đó có Nhật Bản.

Đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Theo các chuyên gia kinh tế, cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn lên lới 67 tỷ USD nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, quyết không phụ thuộc vào nước ngoài thì bài toán đặt ra là phải có cơ chế chính sách đặc thù, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết.