Nhìn lại toàn bộ quá trình lịch sử giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, nhà nghiên cứu Enzo cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định quan trọng là thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào ngày 22/12/1944. Tên gọi “Quân đội Nhân dân” do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, mang ý nghĩa của một đội quân “từ nhân dân, vì nhân dân”.
Theo nhà nghiên cứu Enzo, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không được chứng kiến sự thống nhất của Việt Nam, nhưng tinh thần và các bài học giá trị của Người vẫn sống mãi, dẫn dắt Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ. Ông khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đóng vai trò trung tâm trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.
Đề cập đến vai trò và đóng góp của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong nghĩa vụ nhân đạo và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), nhà nghiên cứu Enzo đánh giá Việt Nam rất tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo ông, Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục hòa bình và trật tự ở một số khu vực bất ổn nhất trên thế giới trong đó có Abyei, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, cũng như Bộ Hoạt động Hòa bình tại trụ sở LHQ ở New York.
Ông Enzo nêu bật điểm đáng chú ý là số phụ nữ của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ chiếm tới hơn 20%. Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là rất cần thiết vì các nữ quân nhân có thể là hình mẫu và là người cố vấn, cổ vũ mạnh mẽ cho những phụ nữ địa phương – đã và đang phải hứng chịu bạo lực, xung đột. Bên cạnh đó, sự hiện diện của phụ nữ cho phép các hoạt động gìn giữ hòa bình tiếp cận tốt hơn với người dân địa phương để phân phối viện trợ nhân đạo của LHQ.
Ông Enzo khẳng định trong bối cảnh hòa bình ở những khu vực trên còn rất mong manh, với tư cách là một trong những nước đóng góp chính cho phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho cộng đồng quốc tế trong việc đóng góp nhiều hơn cho các phái bộ nhân đạo quốc tế và là minh chứng về cách thức một quốc gia đang phát triển có thể hỗ trợ các quốc gia kém phát triển “gieo hạt hòa bình”./.
Hằng Linh-An Nguyễn