Bình minh ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, tỉnh Quảng Bình. |
Ảnh: TTXVN phát |
Những năm gần đây, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới, mang tính bền vững với nhiều địa phương, trong đó có Quảng Bình. Để tiếp tục đa dạng hóa thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh tập trung đầu tư, hướng đến phát triển bền vững các sản phẩm du lịch nông thôn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan nông thôn, thúc đẩy sự phát triển ổn định của xã hội.
* Tiềm năng du lịch nông thôn
Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc đã góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng và sự khác biệt trong phát triển du lịch nông thôn.
Tỉnh có hệ thống hang động kỳ vĩ, dòng sông thơ mộng, cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh vật đa dạng và phong phú, nhiều bãi tắm đẹp, ẩm thực độc đáo. Nơi đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giao thoa và tiếp biến văn hóa, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc... Các tài nguyên du lịch này cơ bản gắn liền với vùng nông thôn tươi đẹp của tỉnh. Quảng Bình còn có nhiều làng nghề, nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng như chế biến thủy hải sản ở Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), làng nón lá Thổ Ngọa, làng rèn đúc Hòa Ninh (thị xã Ba Đồn)… Các sản phẩm ở làng nghề không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn thể hiện được tinh hoa, bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê. Làng nghề là cơ sở quan trọng để hình thành, phát triển các mô hình làng văn hóa - du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Trong đó, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn chính là các sản phẩm OCOP. Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao). Việc gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, đưa hoạt động du lịch nông thôn có thêm nhiều trải nghiệm, giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Đặc biệt, tỉnh có các chương trình, quy hoạch, kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Trong đó, Chương trình hành động số 01/CTr-TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định, nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành điểm du lịch văn hóa tộc người. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch, ưu tiên sử dụng sản phẩm nông nghiệp địa phương phục vụ du khách.
Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cụm không gian phát triển du lịch, gồm: Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên phía Nam; Khu vực phía bắc tỉnh và Vũng Chùa - Đảo Yến…
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở tỉnh được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ như: trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa; sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay); tham quan, trải nghiệm tại làng nghề, làng nghề truyền thống, thưởng thức món ăn đặc trưng gắn liền với đồng quê; tham quan, mua sắm sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP... Du lịch nông thôn tại Quảng Bình đang hình thành và bước đầu phát triển khá tốt, tạo nền tảng cơ bản và vững chắc, thực sự mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
* Tạo sức hút, khai thác hiệu quả tiềm năng
Đồng bào B’ru Vân Kiều trong lễ hội Trỉa lúa. |
Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN |
Quảng Bình hiện có hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và được du khách lựa chọn. Trong đó có sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa; khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới và thiên nhiên rào Thương - hang Én…
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Bình còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể. Việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình du lịch còn hạn chế; chất lượng các sản phẩm, dịch vụ chưa cao. Vấn đề liên kết, hợp tác về phát triển du lịch nông thôn để tạo ra các chương trình du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ chưa được đẩy mạnh…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tham quan các gian hàng sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của ngành du lịch Quảng Bình và các sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh. |
Ảnh: TTXVN phát |
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Netin (Quảng Bình) - một đơn vị có kinh nghiệm tổ chức, khai thác hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chia sẻ, để du lịch nông thôn, cộng đồng phát triển bền vững và mang lại những đổi thay tích cực cho người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, Quảng Bình cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch; nghiên cứu đầu ra các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm OCOP... Đồng thời cần hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển du lịch tại địa phương; xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn, cộng đồng tại các bản làng. Mặt khác, tỉnh tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển du lịch tại khu vực khó khăn, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển.
Tiến sĩ Trần Tự Lực, Trưởng Khoa Kinh tế - Du lịch, Đại học Quảng Bình cho biết: Du lịch nông thôn tại Quảng Bình nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ngành liên quan và sự đầu tư phát triển của tổ chức, doanh nghiệp, sự hưởng ứng của cộng đồng, bước đầu biến các sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan nông thôn thành sản phẩm du lịch bền vững và có ý nghĩa thực tiễn. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đem lại hiệu quả cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Du lịch nông nghiệp cũng giúp khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống và hình thành làng nghề gắn với phát triển du lịch, phát huy thế mạnh “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thông qua vai trò chủ thể mang tính chủ động của chính người dân trên địa bàn.
Tiến sĩ Trần Tự Lực cũng đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn, góp phần hạn chế tính thời vụ trong phát triển du lịch Quảng Bình liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch, đầu tư, tăng cường quản lý nhà nước, tránh tình trạng làm ăn manh mún khiến du lịch nông thôn kém bền vững...
Thời gian tới, Quảng Trị tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình theo hướng thân thiện với môi trường, du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, không phát thải, hướng đến phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.