Chuyên gia Trung Quốc: Việt Nam năm 2024 gây ấn tượng về phát triển kinh tế và ngoại giao
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhà báo Ngụy Vi (Weiwei), chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng Ban Việt ngữ - Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế và ngoại giao của Việt Nam năm 2024, đồng thời cũng cho rằng, trong năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế phát triển và sẽ đạt được những thành tựu nổi bật hơn.

Theo nhà báo Ngụy Vi, mặc dù số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay chưa được công bố, nhưng khi trình bày “Báo cáo về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025” tại Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết, dự kiến GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ vượt 6,8%, dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 7%. Dự báo này khiến số liệu kinh tế của Việt Nam trở nên hết sức nổi bật trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu kể từ sau đại dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực thương mại, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3%, xuất siêu thương mại gần 20,8 tỷ USD. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại Trung - Việt duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Trung - Việt đạt 130,78 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 92,5 tỷ USD, tăng 34,25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận thức chung đạt được giữa nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, dự án xây dựng cửa khẩu thông minh Trung - Việt đang được thúc đẩy toàn diện, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao “chỉ số thông minh” của năng lực thông hành tại cửa khẩu, thúc đẩy nhanh chóng đầu tư thương mại song phương. Ngoài ra, hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực thiết bị cơ khí, sản phẩm điện tử… cũng ngày càng chặt chẽ.

Trong lĩnh vực du lịch, trong nửa đầu năm 2024, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này hết sức bắt mắt, trong đó riêng tháng 5 năm nay, Việt Nam tiếp đón 357.000 lượt du khách Trung Quốc, Trung Quốc trở thành nguồn du khách nhập cảnh lớn nhất của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một điểm sáng quan trọng. Theo các số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 17,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trung Quốc đứng đầu trong số các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, thể hiện đầy đủ sự coi trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường Việt Nam. Những dự án này đã tạo nên lượng lớn việc làm tại địa phương cho khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…

Đánh giá về thành tựu ngoại giao của Việt Nam, nhà nghiên cứu Ngụy Vi cho rằng trong năm 2024, công tác ngoại giao của Việt Nam cũng đạt được thành tích quan trọng, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng không ngừng tăng lên. Đáng chú ý là lãnh đạo cấp cao hai nước Trung - Việt đã xác lập định vị mới lịch sử của việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược, mở ra chương mới về phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung - Việt trong thời đại mới, thúc đẩy hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực. Trong năm 2024, lãnh đạo cấp cao hai nước Trung - Việt đã duy trì trao đổi mật thiết thông qua nhiều hình thức phong phú và linh hoạt. Sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm đã chọn Trung Quốc làm điểm đến của chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, thể hiện sự coi trọng của nhà lãnh đạo Việt Nam đối với quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chí Lương Cường khi đó là Thường trực Ban Bí thư và nhiều lãnh đạo nhà nước khác của Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc. Các cơ quan của hai nước như cơ quan Đảng, Chính phủ, quân đội, Nhân đại và Quốc hội, Chính hiệp và Mặt trận tổ quốc… có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, giao lưu mật thiết, cung cấp sự đảm bảo quan trọng cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược./.

Công Tuyên - Quang Hưng

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam thuộc nhóm tiên phong về phát triển công nghệ có trách nhiệm

Trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã thực hiện một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo rằng sự phát triển AI được định hướng bởi các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Theo đánh giá của trang mạng opengovasia.com (Singapore), việc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tuyên bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI đã củng cố vị thế của Việt Nam như một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng các chính sách AI có trách nhiệm.

Phó Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh đóng góp của Việt Nam đối với lực lượng gìn giữ hòa bình

Ngày 9/12 tại New York (Mỹ), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) và Phòng Tùy viên Quân sự Việt Nam tại LHQ đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 2024) dưới sự chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Hoàng Giang. Tham dự buổi lễ có Phó Tổng Thư ký LHQ Atul Khare, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ Marth Pobee, cùng gần 200 khách mời gồm nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và Cố vấn Quân sự các nước thành viên tại LHQ.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục

Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang học bạ điện tử không chỉ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác đánh giá và xếp loại học sinh mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.