Tinh gọn bộ máy - Khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo của Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Thời gian không chờ đợi.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18. 
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ngày 5/12/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ được tổ chức vào tháng 2/2025.

Mọi việc diễn ra rất khẩn trương, trong vòng hai tháng, kể từ khi “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức nhà nước” được phát động đến khi đề án sắp xếp lại bộ máy phải được hoàn thành.

Đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “thời gian không chờ đợi”, “phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”, “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu".

Các “từ khóa” nổi bật trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư thời gian qua là “cách mạng”, “quyết liệt”, “khẩn trương”, “quyết tâm cao”, “cấp thiết”, “mạnh mẽ”, “làm nhanh”, “nỗ lực phi thường”, “cố gắng vượt bậc”…

Ngày 31/10/2024, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư gọi việc tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" và phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên thực hiện.

Tổng Bí thư nêu rõ: Từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Hiện nay chúng ta mới làm từ dưới lên như xã, huyện, còn việc sáp nhập tỉnh thì chưa làm tới. Chúng ta mới thực hiện việc sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương thì chưa làm. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ thì tỉnh không có sở, huyện không có phòng. Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được.

Hiện nay, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… Ít nhất phải có trên 50% ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ trên. Chúng ta không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ thì khoản chi sẽ lên đến 80-90% ngân sách, không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển.

Tiếp đó, ngày 5/11, Tổng Bí thư viết bài chỉ đạo về việc xây dựng lại hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.

Bài viết nêu rõ: Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt.

Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển…

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư chỉ đạo: Phải tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ.

Sáu ngày sau, ngày 11/11/2024, tại trụ sở Trung ương Đảng, làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng của Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Đồng chí gắn cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy nhà nước với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác thẩm định, đánh giá cán bộ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp cơ sở; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung làm động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tiếp theo, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Thời gian không chờ đợi.

Còn nhiều việc chưa làm được, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn.

Bộ Chính trị đã thống nhất về quyết tâm chính trị mạnh mẽ để tổng kết sớm toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW làm cơ sở báo cáo Trung ương có những quyết sách mạnh mẽ được tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trước hết là các cơ quan Trung ương. Xác định đây là công việc phải làm nhanh, sớm hoàn thành trước Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị các công việc đã được triển khai rất tích cực với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW để ban hành Quy chế hoạt động phân công trách nhiệm, kế hoạch thực hiện hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, theo đề cương và có định hướng cụ thể.

Mới đây, ngày 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025; tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa. Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.

Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u”./.


Tin liên quan

Các vấn đề chung về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Sáng 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.  

Sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó nhưng không thể không làm

Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 khoá XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục

Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang học bạ điện tử không chỉ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác đánh giá và xếp loại học sinh mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.

Phở Việt Nam vươn tầm ẩm thực quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn tầm ẩm thực thế giới. Phở đã theo chân người Việt đi khắp thế giới, là món ăn truyền thống của người Việt nhưng lại được rất nhiều người nước ngoài yêu thích, góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực của “dải đất hình chữ S”. Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến nhà hàng “Phở Hà Nội 1979” được khai trương ngay giữa lòng thành phố Sydney của Australia, tại địa chỉ 128 đường Burwood, khu Burwood, bang New South Wales ngày 2/12 vừa qua.

Việt Nam được đánh giá cao trong thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực y tế

Trang mạng biospectrumasia.com (Singapore) vừa có bài viết về việc Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ then chốt để thúc đẩy nền kinh tế và công bố một loạt quan hệ đối tác, khoản đầu tư và sáng kiến trong lĩnh vực này, đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến ngành y tế và thúc đẩy tăng trưởng của ngành y.

Học giả Trung Quốc: Thành tựu kinh tế và ngoại giao làm nên hình ảnh tích cực của Việt Nam năm 2024

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, năm 2024, thành tích kinh tế và những hoạt động ngoại giao đã góp phần tạo dựng hiệu quả hình ảnh tích cực của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tướng Ấn Độ đánh giá cao vai trò của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước

80 năm là con số không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào truyền thống anh hùng của mỗi người dân Việt Nam, là biểu tượng cao đẹp trong mắt bạn bè quốc tế mà còn là nỗi khiếp sợ của những thế lực xâm lược. Để tìm hiểu dư luận nước sở tại về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của sự kiện thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như đường lối quốc phòng nhân dân của Việt Nam, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc trao đổi với cựu Tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam, Tướng P.K Chakravorty – người từng công tác tại Việt Nam trong giai đoạn 1996-1999.

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam duy trì được ổn định chính trị và thành công kinh tế trong năm 2024

“Việt Nam đã duy trì được sự ổn định chính trị và thành công về kinh tế trong năm 2024” – đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm qua.