Tập huấn triển khai học bạ điện tử cho giáo viên trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). |
Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Một trong những giải pháp các cơ sở giáo dục áp dụng trong những năm học gần đây, mang lại lợi ích thiết thực, đó là sử dụng học bạ điện tử. Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang học bạ điện tử không chỉ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác đánh giá và xếp loại học sinh mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.
*Nhiều lợi ích từ số hóa học bạ
Từ cuối năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Thanh Bình, thành phố Ninh Bình triển khai thí điểm học bạ điện tử tại 39 lớp từ khối 1 đến khối 4. Thay vì phải in ấn, ký tay các học bạ như trước, giáo viên chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản trên hệ thống phần mềm để ký và đóng dấu học bạ. Đây là bước đi quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc.
Trường Tiểu học Thanh Bình, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) triển khai tập huấn cho các giáo viên về học bạ điện tử. |
Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình cho biết, nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, triển khai đồng bộ học bạ điện tử. Nhờ vậy, việc quản lý và cập nhật thông tin học sinh trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đến nay, toàn bộ cán bộ, giáo viên trong trường thành thạo sử dụng phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử, giúp mọi thao tác diễn ra khoa học, chính xác, thống nhất. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành và đảm bảo tính minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm.
Học bạ điện tử lưu trữ đầy đủ và chính xác thông tin của học sinh, từ kết quả học tập đến quá trình rèn luyện, do đó, việc sử dụng phần mềm không chỉ giúp quản lý chặt chẽ thông tin mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Trường Tiểu học Khánh Hòa, huyện Yên Khánh bắt đầu triển khai học bạ điện tử từ năm học 2024-2025. Trường tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, đồng thời phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật khi nhập dữ liệu. Qua quá trình triển khai cho thấy so với học bạ truyền thống, học bạ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội. Đặc biệt việc giảm tải khối lượng sổ sách cũng như ký duyệt có thể thực hiện từ xa, dễ dàng và nhanh chóng. Ứng dụng học bạ điện tử giúp cơ quan chức năng theo dõi và quản lý thông qua báo cáo, thống kê, đồng thời hệ thống này đảm bảo lưu trữ lâu dài, an toàn, dễ dàng trích xuất dữ liệu khi cần thiết giúp giáo viên, cơ quan quản lý tiết kiệm công sức, thời gian.
Tập huấn học bạ điện tử cho giáo viên tại trường Tiểu học Khánh Hòa (Yên Khánh, Ninh Bình). |
Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Cô Ngô Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Hòa chia sẻ, việc sử dụng học bạ điện tử giúp giáo viên nắm bắt nhanh chóng tiến độ học tập của học sinh, từ đó điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp. Hệ thống lưu trữ thông tin điện tử an toàn, tránh tình trạng mất dữ liệu và giúp phụ huynh theo dõi tình hình học tập của con em mình. Đây là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo, giảm bớt áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường.
*Đẩy mạnh chuyển đổi số
Để triển khai học bạ điện tử hiệu quả, các trường học tại Ninh Bình tích cực đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, đồng thời nâng cao trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong triển khai học bạ điện tử tại cả ba cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Học bạ điện tử, đặc biệt ở cấp Tiểu học đang được triển khai rộng rãi tại các trường học ở tỉnh Ninh Bình. Các nhà trường huy động nguồn lực bổ sung trang thiết bị, phòng máy, đường truyền... nhằm đảm bảo việc cập nhật và khai thác dữ liệu ngành một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hiện các trường đều thành lập Ban quản trị phần mềm học bạ điện tử, trong đó, các thầy, cô trong Ban Giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm quản lý tài khoản phần mềm, kiểm tra việc thực hiện quy định bảo mật và cập nhật thông tin của học sinh, giáo viên vào hệ thống.
Giáo viên trường Tiểu học Khánh Hòa (Yên Khánh, Ninh Bình) triển khai học bạ điện tử. |
Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Tính đến nay, Ninh Bình triển khai thí điểm học bạ điện tử tại toàn bộ 153 trường Tiểu học với hai hệ thống quản lý dữ liệu VNEDU và SMAS cho các lớp từ 1 đến 4. Năm học 2023-2024, 75.985 học bạ (chiếm 99,32%) được tạo lập đúng quy định và chuyển về kho dữ liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, học bạ điện tử chứng minh được hiệu quả trong cải cách hành chính, nâng cao tính công khai và minh bạch trong công tác đánh giá, xếp loại học sinh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, cải thiện chất lượng giáo dục.
Năm học 2024-2025, Ninh Bình triển khai học bạ điện tử cấp Tiểu học và tiếp tục thí điểm ở 100% trường trung học cơ sở trên toàn tỉnh. Các nhà trường đang tích cực tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh về lợi ích và ý nghĩa của học bạ điện tử.
Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai hiệu quả học bạ số vào quản lý giáo dục, tỉnh Ninh Bình đạt được những kết quả tích cực trong cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Bình Ðinh Văn Khâm cho biết, thời gian tới, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, nguồn lực tài chính đảm bảo việc triển khai học bạ số ở các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, đảm bảo đồng bộ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thực tế…/.