Đây là đánh giá trong bài viết đăng ngày 6/12 trên trang mạng The Diplomat - tạp chí tin tức quốc tế về chính trị, xã hội và văn hóa trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo bài viết, thỏa thuận liên quan đến việc mở rộng một trung tâm dữ liệu AI do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam sở hữu. Đây cũng là tập đoàn hiện đang sử dụng công nghệ của Nvidia. Nvidia cũng cho biết đã mua lại công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe VinBrain, một đơn vị thuộc tập đoàn lớn của Việt Nam là Vingroup.
Thỏa thuận thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của một trong những công ty AI hàng đầu thế giới vào tương lai của Việt Nam là trung tâm công nghệ khu vực. Trong một tuyên bố, Nvidia đã bày tỏ "niềm tin vào tương lai tươi sáng phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam”. Tuyên bố dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Jensen Huang đánh giá cao hệ sinh thái công nghệ sôi động của Việt Nam bao gồm các nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và tổ chức doanh nghiệp.
Nvidia đã cân nhắc các khoản đầu tư vào Việt Nam trong một thời gian. Khi đến thăm Hà Nội vào cuối năm ngoái, CEO Jensen Huang cho biết công ty của ông cam kết đầu tư vào Việt Nam và biến quốc gia Đông Nam Á thành “ngôi nhà thứ hai”. Đặc biệt, công ty có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và hỗ trợ đất nước đào tạo nhân tài để phát triển AI và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Năm ngoái, Nvidia bắt đầu hợp tác với thành viên của tập đoàn FPT là FPT Smart Cloud – đối tác đám mây đầu tiên của công ty tại Việt Nam. Vào tháng 4, FPT thông báo sẽ cùng với Nvidia xây dựng một “nhà máy” AI trị giá 200 triệu USD sử dụng chip đồ họa và phần mềm của Nvidia.
Tất cả các hoạt động này đều là một phần trong nỗ lực mở rộng của Nvidia ở Đông Nam Á, khu vực đang chứng kiến nhu cầu về dịch vụ dữ liệu tăng vọt nhờ sự bùng nổ kinh tế kỹ thuật số. Theo một báo cáo gần đây, thị trường này lên tới 263 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức chỉ 31 tỷ USD năm 2015.
Những thỏa thuận của Nvidia tại các nước Đông Nam Á thời gian gần đây phản ánh các công ty công nghệ nước ngoài ngày càng công nhận tầm quan trọng của khu vực có dân số trẻ, am hiểu công nghệ và xã hội có xu hướng dịch chuyển theo hướng đi lên, vừa là trung tâm sản xuất, vừa là thị trường cho các sản phẩm công nghệ. Khu vực này cũng hấp dẫn các công ty phương Tây đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì căng thẳng địa chính trị với Mỹ tiếp tục gia tăng.
Năm nay, các CEO của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple và Microsoft cũng đã có chuyến công du đến Đông Nam Á, công bố các khoản đầu tư hàng tỷ USD, đặc biệt là vào các trung tâm dữ liệu được thiết kế để hỗ trợ việc mở rộng các dịch vụ AI./.
Phạm Kiên