Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, di sản thứ nhất là vai trò của Tổng Bí thư trong việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng và chống tham nhũng. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, chiến dịch chống tham nhũng của Đảng đã đạt được những thành quả lớn trong việc giúp chỉnh đốn đội ngũ của Đảng và làm trong sạch hóa bộ máy, không những trong bộ máy chính quyền mà còn trong cả các lĩnh vực khác của xã hội và các thành phần kinh tế. Điều này giúp tạo lòng tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, giúp nâng cao hiệu quả trong sạch bộ máy chính quyền và qua đó gián tiếp giúp cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn về lâu dài.
Di sản thứ hai cũng rất quan trọng có liên quan tới di sản đầu tiên, đó chính là việc Tổng Bí thư đã để lại tấm gương sáng cho toàn thể Đảng, chính quyền cũng như người dân noi theo. Trong suốt thời gian lãnh đạo của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn thể hiện mình là một con người rất liêm chính, không màng tới các lợi ích cá nhân và gia đình và luôn luôn đề cao vai trò của đạo đức, của lòng tự trọng của mỗi con người trong việc phục vụ người dân, phục vụ Tổ quốc. Tấm gương của Tổng Bí thư sẽ tạo ra một nguồn cảm hứng, một tấm gương cho tất cả những đảng viên, cán bộ cũng như những người dân noi theo, để từ đó đóng góp vào sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.
Ngoài ra, về mặt đối ngoại, Tổng Bí thư có một đóng góp rất lớn, thể hiện qua đường lối “ngoại giao cây tre” mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong những năm gần đây. Phương châm, triết lý “ngoại giao cây tre” nhấn mạnh ở 3 yếu tố, đó là vững ở gốc, chắc ở thân và uyển chuyển như cành lá. Như các học giả đã chỉ ra, gốc ở đây chính là cái nội lực của quốc gia. Nội lực vững thì mới phát huy được vai trò trên trường quốc tế. Thân ở đây chính là lợi ích quốc gia, tức phải kiên trì, kiên định với các lợi ích quốc gia. Và cuối cùng là uyển chuyển như cành lá, đó là thể hiện sự linh hoạt, sự uyển chuyển, sự sáng tạo của Việt Nam trong việc áp dụng các phương thức để theo đuổi các lợi ích quốc gia phù hợp với năng lực nội tại.
Trong thời gian qua, phương châm này đã dẫn dắt ngoại giao Việt Nam giành được những thắng lợi rất quan trọng, đặc biệt là duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc lớn song song với việc phát triển quan hệ rất sâu sắc với các nước bạn bè truyền thống. Theo nhà nghiên cứu, tầm nhìn và cách tiếp cận về chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại một bài học rất lớn cho các lãnh đạo tiếp theo, làm sao có thể duy trì được sự cân bằng của Việt Nam trong quan hệ với các nước và đồng thời tiếp tục thúc đẩy vai trò và vị thế trên trường quốc tế, qua đó cũng đóng góp vào sự phát triển về lâu dài.
Cùng đánh giá về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Anh (CPB), ông Kyril Whittaker chỉ ra vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư trong xây dựng đường lối, chính sách của đất nước, trong đó có đổi mới về ngoại giao, chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức cách mạng. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh, ông Whittaker nhận định Tổng Bí thư cũng là một trong những nhà lãnh đạo giành được nhiều tình cảm của nhân dân bởi luôn quan tâm sâu sắc đến đời sống của người dân và kiên định phương châm “dân là gốc”, thể hiện qua các chuyến thăm thường xuyên tới các tỉnh thành để gặp gỡ, trò chuyện và học hỏi từ người dân.
Nói về thành tựu ngoại giao của Việt Nam, nhà nghiên cứu Whittaker đánh giá cao đường lối “ngoại giao cây tre” do Tổng Bí thư kế thừa và phát huy tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh. Nền ngoại giao Việt Nam có thể linh hoạt trước những thay đổi của một thế giới đầy biến động, mở rộng quan hệ đối tác, làm bạn với tất cả, nhưng vẫn kiên định với độc lập, an ninh, tư tưởng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Trên tinh thần này, Việt Nam tham gia tích cực vào nhiều tổ chức quốc tế, luôn đảm bảo nêu cao tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong thời điểm khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam là "ngọn hải đăng" của chủ nghĩa quốc tế vô sản, chia sẻ nguồn lực y tế ở bất cứ nơi nào có nhu cầu.
Ông Whittaker cũng đề cao vai trò của Tổng Bí thư trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, đảm bảo đấu tranh chống tư tưởng sai trái về “chuyển hóa” và lạm dụng quyền lực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tích cực bài trừ tham nhũng ở mọi cấp và Đảng đã phát huy đầy đủ đạo đức cách mạng cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin. Việt Nam cũng đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế tích cực, vượt qua nhiều thách thức như đại dịch COVID-19, duy trì nền kinh tế vững mạnh phục vụ người dân.
Theo nhà nghiên cứu Whittaker, những thành tựu và những đóng góp như vậy là nhờ tư duy, lý luận sắc bén và sự am tường thực tiễn của Tổng Bí thư mà ông Whittaker đánh giá là "một nhà lý luận xuất sắc". Ông chỉ ra rằng, việc theo học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam và ở Liên Xô giúp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người theo chủ nghĩa Marx-Lenin nhiệt thành, trau dồi kiến thức về chủ nghĩa Marx-Lenin, tạo nền tảng cho những đóng góp của ông đối với lý luận Marx-Lenin sau này. Trong khi đó, quá trình làm việc và cống hiến của ông tại Tạp chí Cộng sản đã cung cấp thực tiễn giúp Tổng Bí thư hiểu sâu sắc chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo học giả Anh, ở trong nước cũng như quốc tế, các tác phẩm của Tổng Bí thư như “Đổi mới ở Việt Nam: Lý thuyết và Thực tiễn” và “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đề cập tới việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin phù hợp với điều kiện Việt Nam, phân tích duy vật lịch sử về sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đấu tranh chống những quan điểm sai trái về Đổi mới. Các tác phẩm quan trọng này, cùng với nhiều cuốn sách khác, với chất lượng và sự phân tích sâu sắc, đã đưa ra cái nhìn chi tiết về những vấn đề quan trọng được nghiên cứu trên khắp thế giới.
Ông Whittaker tin rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ đến không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới với tinh thần phụng sự vì nước vì dân cũng như những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới./.
Đỗ Vân-Lê Dương-Tất Đạt-Minh Hợp