Cuộc sống mới ở khu tái định cư làng Dơ Nâu
Hiện nay, người dân khu tái định cư làng Dơ Nâu đã có nhà cửa khang trang, đời sống dần đi vào ổn định.
Đường vào Khu tái định cư Dơ Nâu được nhựa hóa. 
Ảnh: Hồng Điệp-TTXVN

Hầu hết người dân di cư ngoài kế hoạch đến Tây Nguyên sinh sống đều đã được chính quyền địa phương bố trí tái định cư sau thời gian sống rải rác. Khu tái định cư làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) là một điển hình. Hiện nay, người dân khu tái định cư làng Dơ Nâu đã có nhà cửa khang trang, đời sống dần đi vào ổn định.

Cuối năm 2021, sau khi tập trung các hộ dân từ miền Bắc vào huyện Mang Yang sinh sống nhiều năm trước, chính quyền địa phương lên phương án di dời họ đến khu tái định cư làng Dơ Nâu, hỗ trợ đất đai cũng như kinh phí xây dựng nhà, cơ sở vật chất (hệ thống điện, nước sinh hoạt và đường sá)...

Ông Tô Văn Dào (sinh năm 1963, dân tộc Nùng, quê tỉnh Lạng Sơn) cho biết, năm 2013, ông đưa vợ con vào Tây Nguyên lập nghiệp, không đủ tiền mua đất xây nhà nên cả gia đình phải ở nhà tạm trong rẫy cà phê. Đến năm 2021, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để di chuyển nhà từ nơi ở cũ về khu tái định cư làng Dơ Nâu. Những hộ dân trong diện tái định cư tại làng Dơ Nâu được cấp hơn 400 m2 đất ở để làm nhà.

Ông Tô Văn Dào chia sẻ với về niềm vui khi về nơi ở mới. 
Ảnh: Hồng Điệp-TTXVN

Theo ông Dào, cuộc sống của bà con ở đây tốt hơn trước nhiều. Trẻ em được đi học, người dân đến cơ sở y tế khám bệnh chỉ cách nhà hơn 1km. Các điều kiện sinh hoạt đều thuận lợi. Nhân dân làng Dơ Nâu cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ để bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Tên làng Dơ Nâu đã có trước đây với hầu hết người Bahnar sinh sống qua nhiều thế hệ. Khi Nhà nước có chủ trương lập khu tái định cư, người Bahnar sẵn sàng nhường đất để Nhà nước cấp cho các hộ dân tộc như, Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, địa phương xây dựng đề án khu tái định cư với các hạng mục cơ bản như, đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao với diện tích hơn 8 ha, tổng kinh phí thực hiện 11,23 tỷ đồng.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 104 hộ dân tham gia đề án. Khi các hộ dân chuyển ra khu tái định cư, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ kinh phí di dời nhà và cấp hơn 400m2 đất ở cho người dân.

Người dân làng Dơ Nâu tại xã Kon Thụp (Mang Yang, Gia Lai) tăng gia sản xuất. 
Ảnh: Hồng Điệp-TTXVN

Ông Lương Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp cho biết, hiện khu tái định cư làng Dơ Nâu đang có các dân tộc Bahnar, Tày, Nùng, Thái sinh sống chan hòa, đoàn kết, cùng vươn lên trong cuộc sống. Các hộ dân đã có nhà xây kiên cố, nhiều gia đình xây được nhà, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Chính quyền địa phương chủ động liên hệ, kết nối với các đơn vị trên địa bàn như, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai để tạo việc làm cho bà con.

Hiện, khu tái định cư làng Dơ Nâu còn 2 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo. Để giúp bà con có vốn đầu tư sản xuất, chính quyền địa phương hỗ trợ vay tín chấp tại Ngân hàng Chính sách huyện cho 59 hộ dân, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời giúp các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.

Đưa điện về với khu tái định cư làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. 
Ảnh: TTXVN phát

Sau gần 3 năm người dân về tái định cư, làng Dơ Nâu hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới xanh hơn, khang trang và ấm áp hơn. Các dân tộc đoàn kết, xây dựng quê hương giàu mạnh./.

Tin liên quan

Kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao

Sau 79 năm (2/9/1945-2/9/2024), từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, Việt Nam đã chuyển mình trở thành nền kinh tế đa dạng, có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng lớn và chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập (1986 đến nay), đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Năm 2023, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT) của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR). Dự báo trong tương lai, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh, đạt vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG, YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI

Ngày 16/9, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG, YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI”. Sau đây là nội dung bài viết:

Tin cùng chuyên mục

Bức tranh kỳ diệu và hấp dẫn về một nước Việt Nam đương đại

Với chủ đề “Việt Nam: Một hành trình dài”, các tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam tại Sydney (Australia) đã vẽ lên một bức tranh kỳ diệu và hấp dẫn về một đất nước Việt Nam đương đại đang trong quá trình hội nhập năng động và phát triển nhanh chóng. Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, sự kiện do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney tổ chức tối 17/9.

Việt Nam căng tràn sức sống và đậm đà sắc dân tộc tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris. Đây là một trong những hội chợ du lịch và lữ hành chuyên nghiệp lớn nhất thế giới. Điểm mới của hội chợ lần này là sự xuất hiện của gian hàng Việt Nam quy tụ các đơn vị Hiệp hội Văn hóa và Du lịch Việt Nam tại châu Âu (VCNT), Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và 10 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại thị trường Pháp.

Các nhà đầu tư Thụy Sĩ quan tâm tới Nam Định

Cuối tuần qua, Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) đã hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức hội thảo mang tên "Nam Định: Điểm đến tiếp theo cho đầu tư của Thụy Sĩ và châu Âu tại Việt Nam". Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long, Phó Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) Ivo Sieber, Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từ Thụy Sĩ và châu Âu.

“Trống cơm” của Việt Nam được chào đón tại Lễ hội khiêu vũ và Nhịp điệu trống Kuala Lumpur

Nhân kỷ niệm Ngày Lãnh thổ liên bang (16/9/1963 – 16/9/2024), Tòa thị chính thành phố Kuala Lumpur (DBKL), Malaysia, tổ chức Lễ hội khiêu vũ và Nhịp điệu trống Kuala Lumpur tại Quảng trường Merdeka. Đây là hoạt động thường niên lần thứ 9 của DBKL nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa, đồng thời thể hiện sự độc đáo của di sản nghệ thuật từ mỗi bang, đặc biệt là nhịp điệu trống.